Sáng nay (20/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật được mở rộng nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý sửa toàn diện.

“Đổ thừa hết do luật là không đúng”

Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân cũngthống nhất quan điểm cái gì vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa. Tờ trình nêu còn có sự lúng túng là đúng, bởi chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, tức từ kế hoạch đầu tư công hàng năm sang trung hạn, nhưng không phải do luật.

Hay những điểm mà Chính phủ cho rằng còn “cứng nhắc”, “chưa đầy đủ” như công tác đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, giao vốn nhiều lần,… lại cũng không phải do luật mà do khâu thực hiện.

201809111057172499_ctqh_nguyen_thi_kim_ngan_ok_psij.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: quochoi.vn)

“Luật đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập trong Luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật đầu tư công chưa nghiêm. Tôi đồng ý cái cứng nhắc thì rà lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi, còn những gì không phải do Luật mà do công tác điều hành thì không sửa” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm và dẫn ví dụ có những dự án có chủ trương đầu tư rồi, bố trí vốn rồi nhưng tới bây giờ Chính phủ chưa giao vốn.

“Tính ra từ lúc Quốc hội ban hành công bố quyết định đầu tư đường cao tốc, sân bay Long Thành, sau 8 tháng chưa giao vốn. Giờ sắp hết năm 2018 rồi mà đường cao tốc vừa rồi mới mở ra để đấu thầu. Tôi e rằng lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT trước cử tri, trước Quốc hội là đến cuối nhiệm kỳ này sẽ thông tới chỗ này, thông tới chỗ kia thì tính khả thi là có vấn đề. Cái này do giao vốn” – Chủ  tịch Quốc hội dẫn chứng và nhấn mạnh việc vốn ít, không đủ cân đối thì đâu phải do luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị rà soát lại xem mấy Nghị định của Chính phủ có gây khó khăn cho triển khai thực hiện hay không vì “tôi nghe nói mấy nghị định này phải chạy tới chạy lui nhiều lần, làm cho thủ tục rườm rà thêm, gây khó khăn và có ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công”.

“Không phủ nhận việc luật đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng. Tôi bảo vệ quan điểm này. Lần họp tới của UBTVQH tôi sẽ cung cấp cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Giảm thẩm quyền của UBTVQH?

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho biết, tính cụ thể của dự thảo cũng chưa cao. Trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn.

Về các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật NSNN, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan.

Hai Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đỗ Bá Tỵ đề nghị phân tích vướng mắc như thế nào, vừa qua có gây khó khăn gì cho Chính phủ... để rõ cơ sở đưa ra quy định trên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình (Ảnh:quochoi.vn)

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Chắc có sự hiểu nhầm, vì trong luật không có điều khoản nào giảm thẩm quyền của UBTVQH cả. Tinh thần là không có”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Nguyễn Đức Hải thì khẳng định, dự thảo không có chữ nào ghi bỏ thầm quyền nhưng có những quy trình thủ tục được nêu trong luật cũ mà dự thảo luật mới không nêu thì rõ ràng không còn thẩm quyền.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật là quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (hiện nay là 10.000 tỷ đồng). Uỷ ban TC-NS cho rằng Tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động nên chưa đủ căn cứ.

Quy định hiện hành về xác định mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của NSNN và số dự án có tổng mức đầu tư ở mức này là rất ít.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu quan điểm cho rằng về nguyên tắc, chi tiền của dân thì phải xin phép cơ quan dân cử. Việc căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án phải trình Quốc hội, UBTVQH là chưa hợp lý. Điều quan trọng là cần căn cứ vào năng lực của cơ quan thẩm định, cho phép và khi số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng cao, có đủ năng lực và thời gian thì đáng ra số vốn được quy định phải trình càng giảm.

“Như vậy tăng quy định nâng số vốn dự án thì số dự án do Chính phủ tự quyết định nhiều lên, điều này là không thực tiễn. Định mức này phải ngày càng giảm khi đại biểu chuyên trách, am hiểu tăng lên. Có thể dự án nhỏ, nhưng nếu Quốc hội đủ năng lực, thời gian thì cần phải xem xét” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

“Các khoản chi phải có dự toán và được sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngân sách phải được quản lý và giám sát chặt chẽ. Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong phần kết luận./.