PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia đầu ngành về tim mạch ở Việt Nam, hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trên diễn đàn Quốc hội, ông được biết đến với những phát ngôn thẳng thắn, gai góc, đầy trăn trở. Bước qua một nhiệm kỳ trong vai trò là đại biểu ngoài Đảng tham gia Quốc hội, ông Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định). Thêm một nhiệm kỳ nữa giúp ông có thêm thời gian để tiếp tục theo đuổi những mong mỏi chính đáng của cử tri.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu trước thềm kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7.
Nợ kiến nghị, nợ chất vấn: Có những món nợ còn dang dở
PV: Sau một nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, ông thêm được những gì?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cái được nhiều nhất trong năm 5 năm hoạt động Quốc hội vừa qua là tôi có cơ hội được tiếp xúc với những ĐBQH kỳ cựu - những người có kinh nghiệm dày dặn trên nghị trường. Tôi còn được tiếp xúc với hệ thống quản lý của nhà nước, hệ thống chính trị của An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
PV: Điều gì khiến ông còn trăn trở sau nhiệm kỳ 5 năm vừa qua? Có lời hứa nào với cử tri mà ông chưa thực hiện được không?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Tất nhiên là có. Một số kiến nghị của tôi và nhiều ĐBQH khác vẫn còn bỏ ngỏ qua một nhiệm kỳ.
Ví dụ, Luật khám chữa bệnh sửa đổi là một vấn đề được thảo luận rất nhiều lần trong Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, luật này vẫn chưa xuất hiện trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Còn những kiến nghị nhỏ lẻ thì rất nhiều. Có những ĐBQH đã đeo bám, đấu tranh cho một vấn đề cả một nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa được thông qua. Nếu ĐBQH đó không tái cử trong nhiệm kỳ mới, thì công sức trong quá trình thật đáng tiếc.
Hiện tại, chúng ta chưa có tổng kết đối với các kiến nghị của ĐBQH, đoàn ĐBQH, không chỉ một mà trong nhiều khóa.
Theo tôi đó là một vấn đề quan trọng. Bởi khi có tổng kết, thống kê, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những kiến nghị, những vấn đề lặp đi, lặp lại. Đó là những vấn đề cần xử lý. Trên thực tế có không ít “món nợ” kiến nghị, nợ chất vấn không bao giờ có câu trả lời.
Nhà nước kiến tạo, Quốc hội cũng phải sáng tạo. Với xu thế chung của cả nước, tôi mong muốn Quốc hội sẽ tạo ra một luồng không khí mới, giải quyết triệt để kiến nghị của ĐBQH, của người dân.
Làm được như vậy, lòng tin của người dân vào ĐBQH, vào Quốc hội sẽ vững chắc hơn rất nhiều.
PV: Có nhiều kiến nghị chưa được giải quyết rốt ráo như vậy, chắc hẳn ông phải rất áp lực khi gặp cử tri?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Tôi không áp lực vì tôi luôn nói thật. Tôi đã kiến nghị rồi, đã đấu tranh rồi và cử tri nhận ra điều ấy. Tôi chỉ buồn thôi.
Ví dụ như, đường tránh Long Xuyên là một trong những dự án rất quan trọng đối với tỉnh An Giang. Dự án đã được thông qua ở mọi cấp, mọi ngành ở địa phương. Nhưng khi được trình lên Quốc hội, dự án đã nằm từ khóa XIII đến hết khóa XIV. Mọi kiến nghị đều được chấp thuận nhưng dự án vẫn chưa được khởi công.
Tin mừng là, sau một thời gian dài chờ đợi, nhát cuốc khởi công đầu tiên của dự án này cũng sắp được tiến hành. Điều này cũng giúp trăn trở của tôi bớt đi phần nào.
Trong khóa XV, tôi sẽ tiếp tục đeo bám để các kiến nghị về chính sách an sinh, xã hội phải đạt được hiệu quả, phải được các cấp có thẩm quyền đồng ý thông qua.
PV: Ông đã từng đối mặt với phản hồi tiêu cực từ cử tri bao giờ chưa?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Tiêu cực thì chưa có nhưng không thích thú lắm thì có. Nhìn chung, tôi được dư luận ủng hộ nhiều hơn. Bởi lẽ tôi không tự nghĩ ra kiến nghị.
Những kiến nghị ấy đều xuất phát từ người dân, từ cuộc sống hàng ngày và từ những gì mà chúng tôi được trải nghiệm khi trực tiếp đi tiếp xúc cử tri.
Tôi không dựa vào các nguồn thông tin một chiều và không chính thống để đưa ra kiến nghị. Khi nào phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì tôi mới tin, mới đưa ra kiến nghị.
Nghề y và nghề giáo đều là hai nghề bận rộn và vất vả. Nhưng đó không phải là yếu tố cản trở trong quá trình làm ĐBQH của tôi. Ngược lại đây là hai yếu tố bổ trợ.
Bằng chính quá trình tiếp xúc với lực lượng y tế tại địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh và đội ngũ giáo viên, giảng viên từ già đến trẻ, tôi nhận được nguồn thông tin vô cùng lớn và chính xác.
Đa số các kiến nghị của tôi trong khóa XIV đều liên quan đến hai lĩnh vực này.
PV: Ông muốn chia sẻ điều gì với ĐBQH mới trúng cử từ những kinh nghiệm 5 năm vừa qua?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Với những ĐBQH mới trúng cử, tôi mong muốn họ sẽ mạnh dạn nêu lên ý kiến của mình. Bởi ĐBQH là những người có quyền tối cao trong việc giám sát các hoạt động của Chính phủ cũng như quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Do đó ĐBQH có thể tìm hiểu và thu thập thông tin. Khi đã có được thông tin chính xác, phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc của người dân, của địa phương thì hãy lên tiếng. Tôi tin chắc việc làm này không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhân dân nơi ĐBQH đó ứng cử mà còn nhận được sự đồng tình của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, nếu ĐBQH trình bày tiếng nói của người dân một cách rõ ràng, mạch lạc và có thể đưa ra phương án giải quyết trúng những vấn đề còn tồn đọng thì tôi tin rằng, sự ủng hộ đối với ĐBQH còn cao hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông./.