Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo các đại biểu, Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

Theo các đại biểu, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh trong Dự án Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng, cần nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. 

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) cho rằng, hiện nay công nghiệp điện ảnh chủ yếu dựa trên 4 trụ cột quan trọng, đó là sự sáng tạo, sản xuất ra tác phẩm, phát hành và phổ biến phim, bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm. Luật Điện ảnh sửa đổi lần này về cơ bản đã định hướng rõ ràng, cụ thể để phát triển 4 trụ cột nêu trên. Lần đầu tiên Dự án luật đưa ra khái niệm công nghiệp điện ảnh và trong đó có đề cập đến thị trường điện ảnh. Tuy nhiên, việc đưa khái niệm vào luật thì cần có những quy định tương ứng và cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh trong một thị trường cạnh tranh minh bạch, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội một cách công khai theo những cam kết quốc tế. Đại biểu Hoa đề nghị, bên cạnh sự quan tâm đến cơ chế ưu đãi thuế đầu tư thì cần quan tâm hơn đến cơ chế nhà nước đặt hàng, cơ chế thu mua sản phẩm, cơ chế ưu tiên đưa phim đến khán giả.

Đề cập đến những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhất trí Luật cần cấm những hành vi kích động bạo lực hành vi tội ác bằng việc thể hiện những chi tiết cách thức thực hiện hình ảnh, âm thanh lời thoại trong phim nhưng phải trừ những trường hợp các nội dung đó thể hiện không quá phản cảm nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu.

“Điện ảnh là một ngành nghệ thuật sáng tạo, tác giả có thể dùng những thủ pháp điện ảnh như so sánh, đòn bẩy để chuyển tải những nội dung và thông điệp muốn hướng tới như tính nhân văn, giá trị cao quý của tình cảm gia đình, lối sống trung thực, trọng nghĩa. Đây là những điều mà chúng ta cần nhận diện và đánh giá chính xác. Không nên ngăn cấm một cách tràn lan để góp phần xây dựng nền điện ảnh hướng tới chân thiện mỹ. Hơn nữa, các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng đang thể hiện theo cách này” - đại biểu Hoa nêu ý kiến.

Theo nữ đại biểu này, cũng cần hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh, những hình ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những “người hùng”, thậm chí là những “soái ca” trên màn ảnh. Theo bà, đây là ngôn ngữ của giới trẻ, những người này là thần tượng của nhiều thanh thiếu niên nhưng thể hiện những cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim, gây cách hiểu lệch lạc trong thanh thiếu niên, gián tiếp cổ súy cho việc hút thuốc lá, uống rượu, bia. Vì vậy, đại biểu Hoa đề nghị nghiên cứu, rà soát các nội dung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh để quy định chi tiết hết trong Luật này, tránh tình trạng quy định chung chung. Các quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng không biết để tránh vi phạm.

Phổ biến phim trên không gian mạng: Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã có qui định tại Điều 22 nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn. Vì thế rất khó cho công tác tiền kiểm nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu. Theo đại biểu Tuấn, phương án hậu kiểm có vẻ khả thi, phù hợp hơn. Tuy nhiên cần phải rà soát lại các qui định sao cho có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật an ninh mạng.

Cũng liên quan đến nội dụng phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đồng ý với giải trình của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch là chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án, hoặc là tiền kiểm, hoặc là hậu kiểm. Bởi để Nhà nước xác định được những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng thì phải tiến hành rà soát tất cả các cơ sở phổ biến phim để lọc ra một danh sách đáp ứng tiêu chí nêu trên. Điều này thì cũng không khác gì tiền kiểm.

"Cơ quan nhà nước đứng trước khả năng quá tải không thể thực hiện được, chưa kể những cơ sở phổ biến phim không có tầm ảnh hưởng lớn nhưng có nhiều khả năng vi phạm các quy định của Luật điện ảnh thì có đưa vào danh sách tiền kiểm hay không. Do đó, nhất trí với phương án hậu kiểm và cũng nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục là song song với quy định này thì cần nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí phân loại phim" - bà Hoa nêu ý kiến.

Cuối giờ chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, điện ảnh Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau đã hoàn thiện được trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của mình. Ngày nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế rất sâu rộng, điện ảnh nước nhà của chúng ta cũng phải vươn lên để thực hiện trách nhiệm của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phải tìm những giải pháp tối ưu nhất để góp phần xây dựng một bộ luật điện ảnh không chỉ là một nghệ thuật điện ảnh văn hóa và nghệ thuật mà còn là một nhóm ngành kinh tế trong vấn đề chung.

Về thẩm quyền cấp phép và phân loại phim, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, theo quy định tại Dự thảo Luật, việc thẩm định và cấp phép phim cho các loại phim do cơ quan Nhà nước, Bộ Văn hóa- Thể thao và Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện. Vì vậy, trong Luật lần này cũng dự kiến kế thừa những nội dung của luật cũ. Theo Bộ trưởng, cũng có ý kiến đề nghị phải bỏ thẩm định kịch bản phim hợp tác liên doanh với nước ngoài, nhưng trong thực tiễn đang xảy ra một vấn đề là có việc liên kết liên dân không tuân thủ và vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

“Một câu chuyện gần đây nhất là khi nhà làm phim làm về hệ thống hang động của Quảng Bình là hang Sơn Đoòng. Họ dựng ra một câu chuyện là có một gia đình người nước ngoài phát hiện ra và sinh sống ở đó, đó là xuyên tạc và không phù hợp với thực tế, hoặc phản ánh sai lệch về cuộc sống về cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 khác với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, các phim hợp tác với nước ngoài thường sau đó lại không phổ biến tại Việt Nam" - Bộ trưởng cho hay.

Vì vậy, theo Bộ trưởng nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được và những vấn đề của lịch sử bị không đúng với Việt Nam của chúng ta. Đây là vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào./.