Sau 20 ngày làm việc, chiều 14/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Kỳ họp được đánh giá đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Áp dụng công nghệ 4.0 trong kỳ họp 

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù đây là kỳ họp có thời gian ngắn, nhưng đã chuyển tải được nhiều nội dung quan trọng, thông qua được những Dự án luật và một số vấn đề quan trọng như quyết toán ngân sách, đầu tư công...

Theo đại biểu Tuấn, phiên chất vấn tại kỳ họp đã mang lại sự cải cách khá rõ rệt. Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn, các trưởng ngành đã đi thẳng vào vấn đề chất vấn, đồng thời tranh luận làm rõ thêm nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

“Tuy nhiên, phiên chất vấn vừa qua, một số thành viên Chính phủ trả lời còn thiếu sự cam kết chính xác, chắc chắn mà chỉ nói tăng cường, đẩy mạnh, hoặc “chúng tôi sẽ”. Điều này khiến cử tri chưa hài lòng”- đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đánh giá, với việc áp dụng công nghệ 4.0 trong kỳ họp này, mỗi đại biểu được trang bị một chiếc Ipad, trong đó có đầy đủ các chương trình của kỳ họp. Điều này, giúp các đại biểu dễ tra cứu, tham khảo tài liệu. Đây là bước tiến quan trọng để đại biểu cập nhật, thay vì phát tài liệu bằng giấy, tốn kém như trước đây.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao vai trò của Đoàn Chủ tịch khi điều hành các phiên họp. Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội điều hành rất sôi nổi, linh hoạt, cương quyết nhưng cũng rất tế nhị.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cũng cho rằng, thời gian thảo luận một số Dự án luật quan trọng được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm còn ngắn. “Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Giáo dục (sửa đổi)... thời gian thảo luận cũng rất ngắn, hạn chế cho đại biểu phát biểu tham gia góp ý”- đại biểu Hòa nói

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị, trong các kỳ họp tới, Văn phòng Quốc hội cần nghiên cứu, đánh giá kỹ những Dự thảo luật sẽ nhận được nhiều ý kiến đại biểu thì nên dành thêm nhiều thời gian. Còn đối với những Dự thảo luật khả năng sẽ có ít đại biểu tham gia phát biểu, thảo luận thì bố trí thời gian ngắn hơn để dành thời gian cho những dự án Luật quan trọng khác.

Kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước ấn tượng sâu sắc về Kỳ họp thứ 7 vì đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

vov_ton_ngoc_hanh_xybv.jpg
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh.

Theo đại biểu, tại kỳ họp lần này, Quốc hội thông qua hai luật rất quan trọng là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Hai luật này là căn cứ pháp lý, là giải pháp rất quan trọng giúp tháo gỡ những khó khăn trong việc đầu tư công hiện nay, cũng như vấn đề giải ngân vốn, những bất cập trong việc đầu tư công tại một số địa phương, góp phần làm cho kinh tế vĩ mô phát triển mạnh mẽ hơn.

Luật quản lý thuế (sửa đổi) theo đánh giá của đại biểu là có những điểm tiến bộ, đề ra các giải pháp để xử lý nợ đọng thuế, thu thuế tốt hơn, cưỡng chế những trường hợp nợ đọng thuế nhưng còn chây ì để bổ sung ngân sách, đầu tư cho phát triển.

Theo đại biểu, trong kỳ họp thứ 7, tinh thần dân chủ được phát huy rất tốt, các nội dung được bàn thảo, tranh luận sôi nổi để đi đến giải pháp cuối cùng, thể hiện trách nhiệm của các đại biểu.

“Khi những vấn đề tranh luận chưa được ngã ngũ, Quốc hội đã lấy phiếu ý kiến các đại biểu để quyết định theo đa số với phương án tốt nhất. Vì một số nội dung, cũng có đại biểu cũng chưa quyết định được và cả 2 phương án đưa ra đều chưa quá bán. Điều này không phải là không tích cực mà ban soạn thảo, cơ quan chuẩn bị các nội dung cũng cần nghiên cứu và chuẩn bị để có những giải trình thuyết phục hơn đối với các đại biểu, để họ hiểu rõ các vấn đề, đánh giá giải pháp nào là tối ưu, tốt nhất có lợi cho đất nước, cho người dân” – đại biểu đoàn Bình Phước cho biết.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá công tác lập pháp đã hoàn thành theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Về vấn đề kinh tế- xã hội, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận trực tiếp trên hội trường, có những trao đổi rất thẳng thắn. Các đại biểu cũng đã chất vấn thành viên Chính phủ để làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Đặc biệt vấn đề giao thông hiện nay đang là điểm nghẽn của nền kinh tế, đã được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi để làm sao tạo điều kiện đi lại được thuận lợi nhất.

“Đáng chú ý là tiếng nói của nhiều đại biểu đồng bằng Sông Cửu Long về vấn đề giao thông, các dự án đầu tư không đủ vốn đã được đặt ra tại nghị trường Quốc hội" - ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tốt hơn so với lần trả lời ở kỳ họp trước, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn của giao thông và những khuyết điểm của ngành trong thời gian qua. Tư lệnh ngành cũng đã đưa ra những giải trình rất thuyết phục về tình trạng giao thông hiện nay cũng như kế hoạch, giải pháp thực hiện trong thời gian tới được tốt hơn./.