Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho biết, thực chất của việc mua, bán điểm vừa qua chính là việc đưa hối lộ và nhận hối lộ, sâu xa hơn nữa là việc mua quan, bán chức. Đã có những cử tri ví von trường hợp như vậy giống như một thị trường chợ đen, đây là một điều đáng chua xót.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) |
Nếu truy tố và có hình phạt thích đáng, đây mới chỉ là vấn đề những người làm sai phải trả giá trước pháp luật, việc đại biểu Nguyễn Huy Thái quan tâm là làm sao để lấy lại công bằng cho những học sinh vì sự việc này mà mất cơ hội trong mùa thi vừa qua.
"Thông qua câu chuyện này, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta phải làm gì, làm thế nào để sự nghiệp giáo dục của Việt Nam tạo ra môi trường thầy ra thầy-trò ra trò, sự đầu tư của xã hội, sự quan tâm của các cấp, các ngành đúng mục tiêu”- đại biểu nhấn mạnh.
Đồng tình với những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đưa ra về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sau khi rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2018, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho rằng, ngành Giáo dục cần phải thực hiện đúng những cam kết đó.
Theo đại biểu, trong lĩnh vực giáo dục có những vấn đề không riêng gì trách nhiệm của Bộ trưởng đương nhiệm mà đó còn là câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam kéo dài đã lâu, nhưng với vị trí đương nhiệm thì Bộ trưởng Giáo dục phải nỗ lực nhiều hơn, bên cạnh đó phải có sự phối hợp, tạo điều kiện của các ngành.
Đề cập đến gian lận thi cử trong thời gian qua, thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Lê Tuấn Tứ (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa) cho rằng, những hiện tượng tiêu cực này do một số cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục gây ra, đáng phải lên án và phê phán.
Đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa). |
“Vấn đề tiêu cực trong kỳ thi quốc gia năm 2018, tôi đồng tình phải lên án những cá nhân đã dùng vật chất và tinh thần để mua chuộc những người đang thi hành công vụ. Chính họ là nguyên nhân gây ra những tiêu cực này góp phần làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử lý việc này chưa kịp thời, còn chậm, làm mất cơ hội của một số em đáng lẽ đã được vào Đại học năm 2018. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên suy nghĩ thêm” - đại biểu Lê Tuấn Tứ nói và đề nghị Chính phủ tổng kết việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xem xét lại có nên cần duy trì một kỳ thi với hai mục đích hay không./.
Trưởng đoàn ĐBQH Sơn La: Xử lý cán bộ “chạy” điểm thi không vùng cấm
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội