Luật Tổ chức Quốc hội quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chuyên trách ở khoá XIV là hơn 180 người ở cả Trung ương và địa phương – những người dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Điều đó đồng nghĩa phần lớn đại biểu Quốc hội hiện tại hoạt động không chuyên trách, tức kiêm nhiệm. Ttheo luật, họ cũng phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm sắp xếp thời gian, công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.

Riêng tại hai kỳ họp trong năm, Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ: Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Tất nhiên, trường hợp vắng họp cũng được thể hiện trong Nội quy kỳ họp để tạo sự linh hoạt cho đại biểu thực hiện các nhiệm vụ cũng như xử lý những vấn đề đột xuất. Nhưng việc đại biểu vắng quá nhiều tại một kỳ họp (trừ trường hợp bất khả kháng như đại biểu tham gia sự kiện đối ngoại...), nhất là vắng luôn cả phiên biểu quyết, xét dưới góc độ trách nhiệm với cử tri rõ ràng là không nghiêm túc.

dai_bieu_quoc_hoi_jwbe.jpg
Đại biểu Quốc hội phát biểu trên Hội trường

Khi họp tổng kết kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 khoá XIV, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng trên. Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng “chứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ”. 

“Có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Hơn 480 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào? Thế là không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga còn dẫn số liệu tổng hợp cho thấy có đoàn trong một buổi vắng 13 người, thể hiện sự không nghiêm túc, bởi “có thể đồng chí Bí thư hay một vài đồng chí thường vụ địa phương về họp chứ làm sao cả 13 đồng chí về họp được”. Có thời điểm biểu quyết vắng hàng chục đại biểu. Điều này phải chấn chỉnh.

Ở ghế chủ toạ điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có thể quan sát bao quát và bà thấy chưa có kỳ nào đại biểu vắng nhiều như tại Kỳ họp thứ 7. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở nước ngoài không họp như chúng ta, nhưng tới khi biểu quyết hay thảo luận những vấn đề quan trọng thì đại biểu tìm mọi cách để thực hiện quyền của mình. Nhiều đại biểu ở ta ngay cả khi thực hiện quyền biểu quyết cũng vắng thì cần phải rút kinh nghiệm.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV khai mạc hôm nay (21/10) và diễn ra trong 28 ngày làm việc. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đã có văn bản được Chủ tịch Quốc hội ký nhắc nhở các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội trên cơ sở căn cứ chương trình kỳ họp, nhất là các buổi biểu quyết Luật, Nghị quyết để các Đại biểu có mặt, để thể hiện ý chí tập trung của Quốc hội.

Tuy vậy, là kỳ họp cuối năm, lại rơi vào thời điểm chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân cũng như Đại hội Đảng ở cơ sở, sự vắng họp ở Hội trường đối với các đồng chí lãnh đạo địa phương là điều không tránh được, có thể chia sẻ. Song, với nhiều nội dung bàn thảo và quyết sách rất quan trọng trong chương trình, quy định “đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp Quốc hội, thảo luận và biểu quyết...” cần được quán triệt nghiêm túc hơn.

Cử tri không muốn thấy có quá nhiều chiếc ghế trống trên nghị trường!./.