Trình bày tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại phiên họp 33 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung điều 6 quy định chính sách đối với người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng.

Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

le_vinh_tan_zzrr.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo giải trình tại Phiên họp 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tại Điều 6 của Luật hiện hành đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng và thực tiễn thời gian qua một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi.

Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu; đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh các trường hợp sau khi thu hút nhưng người này không thể hiện được tài năng trong công việc được giao.

Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cần phân biệt người có tài năng, nhân tài, người giỏi. Bởi người có tài năng, người giỏi chưa chắc trở thành nhân tài. Luật này chỉ có chính sách với người có tài năng mà không có chính sách đối với nhân tài là thiếu vì đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có cả người tài năng, người giỏi và cả nhân tài.

“Nên có chính sách bao hàm đầy đủ, đồng nhất với chính sách chung của chúng ta là trọng dụng nhân tài, bồi dưỡng nhân tài” – ông Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đây là điểm mới và rất được quan tâm. Thực tế nhiều địa phương đã vận dụng phương pháp trong lựa chọn cán bộ, thu hút nhân tài. Do đó nên có tổng kết đánh giá kinh nghiệm trước khi đưa vào luật. Ngoài ra, cần có khái niệm, định nghĩa thế nào là người tài, nhân tài, đưa ra nguyên tắc thu hút sử dụng những người này và định ra cơ chế đặc biệt chọn người tài, nhất là công tác thi tuyển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình đánh giá quy định chính sách với người tài là công chức, viên chức là rất cần thiết. Song, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được người tài vào các cơ quan Nhà nước vì liên quan các khâu phát hiện, tuyển dụng và sử dụng.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong đội ngũ cán bộ có nhiều người tài nên cần phát hiện, đào tạo để họ nâng cao trình độ, làm việc chất lượng hơn. Bên cạnh đó là phát hiện và tuyển dụng từ bên ngoài. Đây là điểm còn yếu, phần lớn người ta tự tìm đến chứ việc phát hiện không là bao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Ảnh:Quochoi.vn)

“Thực tế người ta tìm đến nộp hồ sơ chứ ta phát hiện ra đâu. Có nơi phát hiện được, đưa về lại liên quan quy trình, nhất là bổ nhiệm. Như thế làm sao tuyển được. Rồi đến sử dụng, tôi đi làm việc với mấy viện nghiên cứu thì thấy đời sống chưa đảm bảo thì làm sao mà nghiên cứu” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh có tình trạng người tài không muốn vào cơ quan nhà nước vì lương thấp. “Thậm chí họ về đây để nuôi niềm hoài bão ước mơ thôi, còn cái để người ta sống lại là làm việc khác. Đồng tình phải có chính sách nhưng như thế nào thì phải tính cụ thể, nếu không rất khó thu hút nhân tài”./.