Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hài lòng về Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường giữa Việt Nam và Australia đang phát triển mạnh mẽ, hai bên đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau trong nhiều lĩnh vực hợp tác song phương như: quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, giáo dục, khoa học-sáng tạo... cũng như tại các diễn đàn đa phương ở khu vực và quốc tế.

unnamed_nrcz.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick.

Hoan nghênh Australia là một trong những nước có quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh rất chặt chẽ và hiệu quả với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong phía Australia tiếp tục chú trọng lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực cho các lực lượng quốc phòng-an ninh của Việt Nam; xem xét mở rộng hỗ trợ trong lĩnh vực rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh (trên cơ sở thỏa thuận đã ký giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và đối tác Australia).

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng quan hệ đối tác kinh tế giữa hai bên sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới bởi tiềm năng còn rất lớn; đánh giá cao Australia trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, vẫn cam kết ưu tiên dành cho Việt Nam vốn viện trợ phát triển ODA.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giáo dục là lĩnh vực tiềm năng của hai bên, hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Australia; đề nghị Australia xây dựng các dự án đào tạo cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ); xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học chung giữa hai nước.

Hoan nghênh vai trò quốc tế ngày càng tăng của Australia cũng như sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như EAS, APEC và Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Australia Craig Chittick cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp và cho biết, Australia đang phối hợp chặt chẽ, thu xếp thời gian thuận lợi để đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức.

Chia sẻ về 3 lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ hai nước, Đại sứ khẳng định, hiện hai nước đã thông qua chương trình đối tác phát triển thương mại; đối tác về an ninh; đối tác về đổi mới sáng tạo. 

Nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng với tình hình mới, cũng như yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật 3 lĩnh vực hợp tác này, Việt Nam đều lồng ghép vào các quy định trong các văn bản pháp luật liên quan. Vì thế Quốc hội Việt Nam mong muốn trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp với Australia.

Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ cho biết, Australia đã công khai quan điểm của mình, khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề Biển Đông; đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và thương mại không bị cản trở; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. 

Nhân dịp này, Đại sứ khẳng định, Australia coi trọng và dành ưu tiên cao trong việc hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tổ chức thành công Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

** Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam, Wendy Matthews, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bà được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam; mong muốn trong nhiệm kỳ công tác của Bà Đại sứ, hợp tác song phương trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và New Zealand cũng như giữa Quốc hội hai nước sẽ ngày càng phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ New Zealand Wendy Matthews. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội; đồng thời cảm ơn Chủ tịch Quốc hội New Zealand David Carter đã mời thăm chính thức New Zealand. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao viện trợ phát triển chính thức (ODA) của New Zealand dành cho Việt Nam luôn được duy trì và sử dụng hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam; trong thời gian tới, mong muốn New Zealand  tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững , nhất là ở các vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn, tập trung vào bình đẳng giới, phụ nữ trẻ em thiệt thòi, chống biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai. 

Đánh giá cao các chương trình đào tạo tiếng Anh mà Chính phủ New Zealand đã dành cho các Đại biểu Quốc hội Việt Nam thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Đại sứ tiếp tục phát huy và thúc đẩy hình thức hợp tác này.

Hai bên cần thúc đẩy hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn và Nhóm nghị sĩ hữu nghị, chú trọng giao lưu giữa các nữ nghị sĩ; tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp và các hoạt động của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên Nghị viện Thế giới (IPU); xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện phát triển hơn nữa, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định là quốc gia có biển, lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam cảm ơn Chủ tịch Quốc hội dành thời gian tiếp và nhấn mạnh, mối quan hệ của hai Quốc hội đóng góp vai trò tích cực trong quan hệ ngoại giao hai nước. Hiện, Quốc hội New Zealand mong muốn đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm chính thức. 

Chính phủ New Zealand rất hân hạnh được tài trợ và đào tạo những khóa học tiếng Anh cho Việt Nam, đại sứ New Zealand cho rằng, Quốc hội Việt Nam có thể đưa ra những thỏa thuận hợp tác về lĩnh  vực này, Quốc hội New Zealand sẽ cùng xem xét và phối hợp thực hiện.

Mối quan hệ giữa hai Quốc hội nằm trong bối cảnh có nhiều cơ hội cùng phát triển, đó là việc cả hai nước đều tham gia TPP, Quốc hội hai bên đang cùng thúc đẩy sự tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, pháp lí và có những đổi mới để thực hiện các cam kết quốc tế đó. 

Cho rằng, Việt Nam và New Zealand đều là quốc gia có biển, Đại sứ New Zealand đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội về việc coi trọng hệ thống luật pháp quốc tế, bởi hệ thống luật pháp này đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực. 

Việt Nam mong muốn được đón đoàn cấp cao của New Zealand đến tham dự Năm APEC 2017 tại Đà Nẵng, đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của bạn bè quốc tế  trong việc tổ chức APEC. Việt Nam đã và đang sẵn sàng cho sự kiện quan trọng này./.