Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đối với 2 Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với cả hai Bộ trưởng đã có tổng số 64 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 48 đại biểu tham gia chất vấn, có 10 đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quân tâm.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua phiên chất vấn cho thấy, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm, đồng thời đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến rất xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu rất kỹ các tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn, thực tế địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vưc và các trưởng ngành liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan lưu ý quan tâm tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm cụ thể.

"Cần xây dựng kịch bản bản đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Đây là yêu cầu rất bức thiết đặt ra trong phiên chất vấn lần này phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn bằng kịch bản rất rõ ràng, cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu hết sức quan trọng đối với quốc kế dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh quốc phòng, an ninh,  ổn định xã hội. Đặc biệt là trong điều kiện tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới, nguồn cung trong nước đang gặp những khó khăn do vướng mắc và bất cập trong vận hành một số dự án, các nhà máy về sản xuất về chế biến về xăng dầu", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chính phủ cần có những giải pháp tổng thể để kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh. Nghiên cứu, đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch dự trữ quốc gia và dự giữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí các yếu tố cấu thành giá, cơ sở các định mức hao hụt định mức chi phí định mức lợi nhuận trong công thức tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần kiểm soát giá xăng dầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản. Có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh xuất khẩu hàng hóa tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, đảm bảo căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan cũng như các văn bản hướng dẫn luật, để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

"Rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn liên quan, trong đó, chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi; đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; đồng thời có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai....Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính", Chủ tịch Quốc hội nói.

Thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm; chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu, chuẩn bị thật tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn để xin ý kiến theo quy trình trước khi ban hành, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định. Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất. Góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.