Sáng 24/7, thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tác động lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế, nhưng công tác tài chính, ngân sách vẫn có nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tích cực ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020.
Gói gọn dưới 5.000 dự án, không dàn trải vốn đầu tư công
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM cho biết, nếu sử dụng tốt vốn đầu tư công sẽ tăng trưởng kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu nhập cho quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phải gắn với an sinh xã hội. Qua theo dõi, năm 2016 giải ngân được hơn 88,27% nhưng đến năm 2018 chỉ giải ngân được có 71,69%. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tránh kéo dài thời gian của dự án, gây lãng phí, đi liền với đó là gắn trách nhiệm người đứng đầu nên đến năm 2020 đã giải ngân được hơn 96%.
Nhìn những tồn tại để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, khâu giải phóng mặt bằng là vô cùng vất vả nên công tác tuyên truyền phải gắn liền với thông tin để người dân đồng thuận, nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là giá đất và đền bù khiến người dân không đồng thuận gây ra bức xúc xã hội.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, vấn đề thủ tục đấu thầu cũng cần được quan tâm, các đại biểu chuyên trách cần dành thời gian nhiều hơn cho việc rà soát các thể chế, làm việc với các sở, ngành xem vướng ở đâu để cùng giải quyết, điều chỉnh. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc giải ngân vốn đầu tư công được hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình cho rằng, Chính phủ vẫn cần lưu ý các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc gây nghẽn mạch công tác giải ngân, đó là trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, do xung đột về lợi ích, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành cũng là nguyên nhân kìm hãm đối với hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, khiến đầu tư công không bảo đảm tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra…
Giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu đánh giá, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có nhiều điểm mới, đó là gói gọn dự án (dưới 5.000 dự án), không dàn trải, lấy nguồn vốn đầu tư công làm “vốn mồi” cho các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau cho rằng, cần rà soát lại các dự án đã có trong danh mục đầu tư công, không bỏ sót các dự án chuyển tiếp khi trong thời gian qua có rất nhiều dự án kéo dài rất lâu.
“Trong khi nguồn lực của chúng ta có hạn mà có những dự án kéo dài 5-7 năm vẫn chưa khai thác được, làm lãng phí nguồn nhân lực rất lớn. Ví như ở Cà Mau có rất nhiều tuyến đường được khởi công cách đây 5-7 năm, đến giờ đã nham nhở rồi hay có những cây cầu xây dựng cách đây vài năm xong giờ không có nguồn lực cứ để như vậy. Cây cầu coi như có bắt nhịp rồi nhưng han rỉ hết và chưa sử dụng được”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu ý kiến.
Giải ngân chậm - câu chuyện biết rồi - khổ lắm - nói mãi
Theo đại biểu Lê Tiến Châu, đoàn Hậu Giang, việc giải ngân hiện nay vừa chậm, giao ngắt quãng, giao nhiều lần, giao nhiều dự án, tiền thiếu nên công trình dở dang, đến khi bổ sung vốn thì đội tổng mức đầu tư, hậu quả vô cùng lớn.
“Giải ngân chậm là câu chuyện biết rồi- khổ lắm- nói mãi mà chưa có giải pháp khắc phục. Nguyên nhân thật ra ai cũng biết, vướng từ quy định pháp luật, trình tự rườm rà… có thể bỏ được nhưng ta không bỏ. Về tổ chức thực hiện, ngoài năng lực, thì vấn đề lợi ích như chọn nhà thầu yếu... Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cắt từ 11.000 dự án xuống còn dưới 5.000”, đại biểu đoàn Hậu Giang chia sẻ.
Đại biểu Lê Tiến Châu đề xuất cần mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, tính toán việc đối ứng vốn, nhất là thu hút vốn từ tư nhân.
“Hiện vướng là do ta không tin nhau nên đặt ra nhiều quy định. Thêm nữa phải tính toán rất sát nguồn thu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để từ đó cân đối chi cho phù hợp, khả thi. Cần tính toán lại vốn doanh nghiệp bởi hình thức PPP rất hiệu quả, ta cần tính toán việc đối ứng”, đại biểu Lê Tiến Châu đề xuất./.