Ý kiến khác nhau về chứng chỉ hành nghề dược
Liên quan đến thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược trong Luật Dược (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Đó là cấp CCHN có thời hạn 5 năm và cấp CCHN dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp CCHN cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp CCHN 05 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với CCHN dược.
Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp CCHN một lần gắn với biện pháp hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. Do đó, dự thảo vẫn thiết kế 2 phương án theo hai loại ý kiến trên.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) |
Theo đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng), trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nếu quy định thời gian sau 5 năm sẽ cấp lại chứng chỉ là không phù hợp.
“Quy định này sẽ tạo ra các thủ tục rườm rà, bên cạnh đó sẽ xảy ra nhiều tiêu cực gây khó khăn cho những người muốn cấp lại chứng chỉ hành nghề dược”, đại biểu Nguyễn Thu Anh nêu quan điểm.
Do đó, theo đại biểu, chỉ quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần giống như chứng chỉ hành nghề y. Dĩ nhiên, nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu thấy có vi phạm và những người hành nghề dược không cập nhật kiến thức chuyên môn theo quy định thì tùy theo mức độ để xem xét có thu hồi chứng chỉ hành nghề hay không.
Trong khi đó, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cho biết, đa số ý kiến trong đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu mong muốn Quốc hội chọn phương án quy định mỗi cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn, với 3 lý do:
Thứ nhất, đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề dược, cần thiết kiểm soát về sức khỏe người hành nghề, không chỉ đảm bảo thực hiện công việc mà còn đảm bảo sự an toàn cộng đồng. Do đó, việc cấp chứng chỉ có thời hạn để kiểm soát sức khỏe là cần thiết.
Thứ hai, thời hạn cho phép kiểm soát việc cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Thứ ba, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc cấp thời hạn không gây khó khăn, phiền hà cho người được cấp chứng chỉ.
Từ quan điểm trên, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại đề nghị không giao cho Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mà luật này cần quy định chi tiết để đảm bảo sự minh bạch, khi luật có hiệu lực thi hành sẽ được thực hiện ngay.
“Thủ tục hành chính thế này thì hộ nhập rất khó”
Nhấn mạnh một trong những điểm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra là vấn đề tính hội nhập của Việt Nam phải đảm bảo các chuẩn mực quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện nay nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội rất bức xúc về vấn đề thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính được cải thiện thì các quy định pháp luật sẽ đúng hướng với hội nhập.
“Nếu thủ tục hành chính của chúng ta như thế này thì sẽ rất khó khăn để hội nhập. Bởi vì, chuyện cấp chứng chỉ cả y lẫn dược thì Bộ Y tế đều đề xuất là nên 5 năm 1 lần, phù hợp với xu thế thế giới. Nhưng vì thủ tục hành chính nên các đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân rất bức xúc dẫn đến không muốn tuân theo xu thế của thế giới”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên |
Bày tỏ rất bức xúc với các thủ tục hành chính, nhưng đại biểu lại đề nghị trong dự án Luật Dược nên giao Chính phủ cho phép cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm một lần những ai có nhu cầu ra làm việc quốc tế.
“Hiện nay, chúng ta hòa nhập trong ASEAN, kiểm tra lại thì chưa nước nào công nhận chúng ta. Bởi vì, tất cả các nước người ta thi đầu vào và cấp chứng chỉ còn Việt Nam automatic được cấp chứng chỉ, trừ các giấy tờ. Do đó, có lẽ nên có một quy định giao cho Chính phủ tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng mẫu của thế giới. Người có nhu cầu đi làm việc ở các nước ASEAN, ở quốc tế thì tạo điều kiện cho họ hòa nhập với thế giới. Như vậy, những người trong nước cũng không bị ảnh hưởng”, ông Tiên nêu ý kiến.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị đưa ra một nguyên tắc cơ bản trong việc cấp chứng chỉ đó là tất cả qua mạng, không trực tiếp giao dịch để triệt tiêu những chuyện về thủ tục hành chính và phù hợp với thế giới.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực tế, các nhà chuyên môn cũng rất muốn tổ chức cấp và quản lý có thời hạn mới đảm bảo chất lượng vì cấp một lần rồi “thả phóng” ra thì sẽ rất khó khăn.
“Tôi đề nghị nên có một nguyên tắc như vậy và là một bước để ngành Y tế có lộ trình chuẩn bị 5 năm, 10 năm nữa tổ chức thi cấp chứng chỉ, cấp chứng chỉ 5 năm một lần sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng khác”, đại biểu Tiên nói./.