Kê khai tài sản của người ứng cử ĐBQH đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ông Phạm Xuân Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hồ sơ của những người ứng cử trung thực nhưng độ tin cậy thì chưa thể tin cậy, nhất là trong việc kê khai tài sản.

Phải có cơ chế để việc kê khai tài sản thực sự minh bạch

ong_pham_xuan_hang_vbnv.jpg
Ông Phạm Xuân Hằng
 “Có ai giám sát, ai xác nhận đâu, ai là người giám sát người ứng cử khai nhiều hay khai ít? Ai dám khẳng định việc kê khai là chính xác? Đây là phần chủ quan, mặc dù các vị cam kết chịu trách nhiệm nhưng trên thực tế phải được đảm bảo bởi một cơ quan nào đó. Phải đổi mới công đoạn này. Có những đồng chí tôi quen qua đọc hồ sơ thì thấy khai thật, nhưng còn có những đồng chí tôi không biết, thì không hiểu có khai đúng không”-ông Phạm Xuân Hằng băn khoăn.

Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cũng cho rằng, việc kê khai tài sản hiện nay đang theo kiểu thích bao nhiêu thì kê, chứ không có xác nhận nào cả. “Tôi thấy có người ở Hà Nội nhưng họ có nhà ở nơi khác thì lấy ý kiến nơi cư trú ở đâu, xác minh tài sản thì xác minh ở đâu? Có đại biểu quê Sơn La, ai lên xác định tài sản ở đó không? Tôi tin chắc không làm được. Còn nhiều trường hợp khác, hỏi cư trú ở đâu, điểm nào, có xác nhận không?. Tôi chưa thật yên tâm về việc kê khai tài sản. Phải có cơ chế như thế nào để việc kê khai tài sản thực sự minh bạch, công khai, dân chủ thì dân mới tin tưởng”.

Theo ông Nguyễn Mậu Bành, đại diện Hội Cựu giáo chức, có người ứng cử ĐBQH trong hồ sơ kê khai tài sản rất nghiêm túc, nhưng lại không thấy khai vợ chồng, con cái. “Họ kê nghiêm túc vậy nhưng con cái của họ đi siêu xe thì đó là tài sản của bố hay của con? Cần rút kinh nghiệm trọng kê khai. Chỉ cần vài dòng, sao phải tiết kiệm giấy?”- ông Nguyễn Mậu Bành đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Mậu Bành

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc kê khai tài sản của người ứng cử ĐBQH, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội cho rằng, “chúng tôi cũng thấy như vậy. Theo cơ quan trực tiếp làm văn bản để trình Quốc hội thì kể cả văn bản gần đây nhất về việc kê khai tài sản và thu nhập đối với cán bộ công chức viên chức thì cũng chỉ mẫu mà mọi người đang kê khai, chứ chưa có phần xác minh tài sản”.

Hồ sơ mới chỉ thiên về giới thiệu chức vụ, bằng cấp

Theo ông Lù Văn Que, hồ sơ của người ứng cử chưa phản ánh được chất lượng vì chỉ có lý lịch trích ngang, chức vụ, không có ưu khuyết điểm của người được giới thiệu ứng cử. Cử tri cả nước họ tin vào sự giới thiệu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nên cần làm chu đáo thực sự công khai minh bạch để tạo niềm tin của người dân. 

“Theo tôi việc kê khai như thế này chưa phản ánh được chất lượng của đại biểu. Ít nhất cũng phải cho mọi người biết được người ứng cử ĐBQH ưu điểm, nhược điểm như thế nào, quá trình làm như thế nào? Phải phản ảnh được chất lượng của người đại biểu được giới thiệu, ngay ở cơ quan cũng phải có nhận xét, đánh giá như thế nào để mọi người còn có thông tin”- ông Que nói.

Ông Lù Văn Que cho rằng, cần phải coi chất lượng đại biểu là yếu tố quan trọng nhất, người ứng cử khi vào Quốc hội có làm tốt chức năng, vai trò của người đại biểu không? Họ có phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri cũng như có chính kiến của bản thân không?.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
“Vì thế trong hồ sơ người ứng cử phải có đánh giá để người giới thiệu cũng yên tâm xem có giới thiệu người xứng đáng hay  không? Hồ sơ mới chỉ thiên về giới thiệu chức vụ, bằng cấp chứ chưa phản ảnh được chất lượng đại biểu. Người dân họ rất tin tưởng vào Đoàn Chủ tịch thay mặt dân giới thiệu người ứng cử vào vòng Hiệp thương lần 3 nên cần phải làm thật cẩn thận, chính xác”- ông Que đề xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, những người ứng cử ĐBQH trong danh sách 197 người đều do cơ quan Trung ương giới thiệu, vì thế có thể yên tâm về tiêu chuẩn.

Còn việc liên quan đến nhiều ý kiến băn khoăn về việc kê khai tài sản thiếu giá trị vì không có cơ quan xác minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nay trong quy định chung của toàn hệ thống Nhà nước, chính trị chưa quy định là giám sát tất cả kê khai tài sản mà khi nào có ý kiến phát hiện thì cơ quan chủ quản sẽ xác minh./.