Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.

Tại buổi thảo luận, Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Quốc Duyệt (Đại biểu đoàn TP Hà Nội) cho rằng, phòng chống dịch COVID-19 luôn là vấn đề nóng nhưng đến nay vẫn còn những nhận thức, nhìn nhận khác nhau. Do đặc thù về đô thị đặc biệt với vị thế trung tâm của cả nước, nên Hà Nội là địa phương tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao. Tình hình này tác động đến công tác phòng, chống dịch của thành phố thời gian qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, thực tế cho thấy, lượng người nhập cảnh, lao động ngoại tỉnh về Thủ đô làm việc, sinh viên ngoại tỉnh về Hà Nội học tập. Bên cạnh đó, mật độ dân cư lớn, nhiều chung cư, nhiều nhà cao tầng, các chung cư cũ có nhiều người dân sinh sống… là những nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng tại Hà Nội. Vì vậy vị đại biểu này cho rằng, công tác cách ly F1, thu dung điều trị F0 không giống các địa phương khác.

“Mật độ dân cư lớn, nhiều chung cư, nhiều nhà cao tầng, các chung cư cũ cũng nhiều. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện sinh sống tốt, về mặt hạ tầng cơ sở để cách ly F1 tại nhà, quan điểm cách ly F0 tại nhà. Chúng ta không nên mang ở địa phương khác để áp dụng cho Thủ đô, trung tâm chính trị quốc gia”- đại biểu Duyệt bày tỏ.

Liên quan đến nhiều ý kiến khác nhau về cách ly F1, thu dung F0, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của thành phố trong việc không cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà, bởi qua đánh giá, không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện tốt về nhà ở để phòng chống dịch. Vì vậy, nếu đưa vào áp dụng, nguy cơ có thể lặp lại câu chuyện của các tỉnh phía Nam.  

Đại biểu cũng đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TP Hà Nội luôn luôn chủ động cao hơn một cấp, kích hoạt cả hệ thống chính trị, nhân dân, người dân tham gia. Hà Nội sớm chủ động, cá thể hóa trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp để thực hiện công tác phòng chống dịch. TP cũng đã chuẩn bị 118.000 khu vực thu dung F1, ngoài ra còn kích hoạt cơ sở thu dung điều trị F0 nhẹ với khoảng 22.000 người, với phương án sẵn sàng rất cao để Thủ đô không bị động, lùng túng trong phòng chống dịch.

“Không được phép chạy theo tình huống, sẵn sàng mọi tâm thế, tình huống để ứng phó với dịch. Trong chống dịch, quan điểm xuyên suốt chống dịch như chống giặc, luôn ở mức cao nhất, chống dịch là mệnh lệnh, là ý thức tự giác, là các biện pháp quyết liệt. Tiếp tục lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nhưng quan trọng là việc vận hành trung tâm, chủ thể như thế nào, hướng đến đạt được mục tiêu của Chính phủ” - đại biểu Duyệt cho hay.

Đại biểu cũng đề nghị cần có chiến lược, kế hoạch tổng thể, căn cơ để trên cơ sở thích ứng an toàn, mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn phải đặt mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa XV Đinh Tiến Dũng đồng tình với ý kiến của các vị ĐBQH tại phiên thảo luận về sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân.

Về công tác phòng, chống dịch của TP, ông Đinh Tiến Dũng cho hay: “Kể từ ngày 27/4, đợt dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại Hà Nội với các ca lây nhiễm mới. Hà Nội có nhiều đặc thù nên công tác phòng chống dịch khó khăn hơn, vì thế ngay từ ngày đầu Hà Nội chuẩn bị các phương án cao hơn, đặc biệt tại các khu cách ly, các khu điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. TP đã rà soát lại toàn bộ các kịch bản phòng, chống dịch, quyết không để F1 cách ly tại nhà và điều trị F0 tại nhà”.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng dẫn ví dụ tại điểm dịch ngõ 330 Thanh Xuân Trung, thành phố đã đưa toàn bộ người dân tại đây đi cách ly tập trung nên đã khống chế được tình hình dịch bệnh tại đây. Đó là những quyết định rất quan trọng của thành phố. Hà Nội có đặc thù khác với các địa phương khi nguy cơ cao, đa nguồn lây nên công tác chống dịch cũng phải linh hoạt. Việc triển khai các biện pháp thận trọng, linh hoạt và khoa học vì Hà Nội là Thủ đô, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, bảo vệ an ninh an toàn cho người dân.

Ông Dũng cũng khẳng định, thắng lợi của Hà Nội là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực chất. "Dân làm thì mới bền, dân canh dân, dân gác dân, vì vậy phải tri ân đồng bào, lực lượng tuyến đầu"- ông Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, trong quá trình chống dịch, Hà Nội vẫn tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có lượng lao động lớn, hạn chế việc phải ngừng sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch vẫn được thành phố đặt trọng tâm ưu tiên. Trong đó, giải pháp tốt nhất là phải từ cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng, trong việc theo dõi di biến động dân cư và truy vết. Cùng với việc tuyên truyền, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch để tạo sức răn đe./.