“Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tổ chức 5 năm một lần, đây là cơ hội duy nhất để cử tri thể hiện quyền cử tri, mỗi lá phiếu thể hiện trách nhiệm của người công dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình thông qua lá phiếu đó”. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí.

PV: Thưa ông, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vừa được thông qua năm 2015 với những điểm mới. Xin ông cho biết những điểm mới mà cử tri cần lưu ý trong lần bầu cử này?

Ông Trần Thanh Mẫn: Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, trước hết, tôi đề nghị các cấp chính quyền ở địa phương phải rà soát danh sách cử tri, phát phiếu bầu ở tại gia đình, kiểm tra từng hộ khẩu ở gia đình xem ai đã nhận được phiếu bầu và ai chưa nhận được.

tran_thanh_man_vov_rqnh.jpg
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Thứ hai, gia đình phải báo cáo với chính quyền địa phương về số cử tri trong gia đình mình, đảm bảo có mặt trong hôm nay (22/5) để làm sao mỗi công dân phải thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình là đi bầu trực tiếp, bầu đúng, bầu đủ số lượng như đã quy định của Ủy ban bầu cử ở địa phương.

Đối với cử tri trước khi đi bầu, đến điểm bầu, cử rà soát lại danh sách trích ngang của từng ứng cử viên để so sánh, lựa chọn người có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ năng lực chọn làm ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Khâu chọn lựa quyết định hết sức quan trọng. Đối với mỗi cử tri khi đến bỏ phiếu cần cân nhắc thận trọng trước khi cầm bút thể hiện quyền của mình phải xem để lựa chọn chính xác, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tránh tình trạng cử tri đến bầu cử không xem xét dẫn đến tình trạng gạch những người không đúng yêu cầu mình lựa chọn.

PV:Mỗi lá phiếu là quyền và cũng là trách nhiệm của cử tri. Để nhân dân tích cực tham gia bầu cử trong hôm nay (22/5), thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông có lời kêu gọi gì để đồng bào, cử tri cả nước thực hiện quyền công dân tham gia bỏ phiếu đầy đủ, khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay?

Ông Trần Thanh Mẫn: Bầu cử là quyền công dân đã được hiến định. Hiến pháp đã xác định những nguyên tắc quan trọng về dân chủ, trong đó quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân”.

Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND được tổ chức 5 năm một lần, đây là cơ hội duy nhất để cử tri thể hiện quyền cử tri, mỗi lá phiếu thể hiện trách nhiệm của công dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình thông qua lá phiếu đó.

Khi cử tri thực hiện đầy đủ quyền của mình thông qua lá phiếu chính là trực tiếp góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong ngày hội lớn toàn dân tộc 22/5, hăng hái trực tiếp tham gia đi bỏ phiếu đầy đủ, đồng thời sáng suốt lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

PV:Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và cử tri đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát việc thực hiện lời hứa của người ứng cử nếu trúng cử. Vậy, thời gian tới Mặt trận sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào để thực hiện việc giám sát này?

Ông Trần Thanh Mẫn: Ủy ban Mặt trận Tổ Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa những người ứng cử với cử tri để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu trúng cử, cũng như trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Thông qua vận động bầu cử, sẽ là dịp để cử tri của địa phương hiểu và biết rõ hơn về người ứng cử như: về tiểu sử, năng lực trình độ của người ứng cử....qua đó cử tri cân nhắc, quyết định chọn lựa là đại biểu khi bỏ phiếu; đồng thời gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình với Đảng và Nhà nước, trên các lĩnh vực của đời kinh tế- xã hội.

Trong quá trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử,  MTTQ Việt Nam còn có vai trò trực tiếp giám sát hoạt động của những người ứng cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và phương tiện thông tin đại chúng.

Về trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử của các cơ quan, đơn vị , trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; việc giám sát này phải đảm bảo hướng tới sự công bằng, bình đẳng, khách quan, trung thực.

Nhìn lại thực tế qua nhiều kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trước đây, đa số người ứng cử sau khi trúng cử đã cố gắng thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc lời hứa của mình trước cử tri khi trúng cử. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số đại biểu sau khi trúng cử đã làm chưa tốt, chưa đúng lời hứa của mình.

Chính vì vậy, thời gian qua đông đảo cử tri mong muốn, lời hứa của người trúng cử phải được bảo đảm ở mức cao nhất, phải thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của đại biểu đối với lời hứa của mình. Điều đó mới khẳng định được uy tín của đại biểu trước cử tri nói phải đi đôi với làm.

Vậy cơ chế nào để bảo đảm lời hứa của người ứng cử trước cử tri được thực hiện một cách đầy đủ nhất, hiệu quả nhất để góp phần củng cố niềm tin của cử tri, nhân dân, tạo đồng thuận xã hội luôn là câu hỏi, trăn trở của MTTQ Việt Nam thời gian qua.

Qua rà soát các văn bản hiện hành cũng đã rõ ở mức độ nhất định về cơ chế thực hiện trách nhiệm của đại biểu và vai trò giám sát của cử tri, của cơ quan, tổ chức có liên quan, tuy nhiên những quy định này cũng chưa thực sự đủ mạnh mang lại hiệu quả như mong đợi của cử tri. Ở góc độ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện vai trò đại diện, bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước, giám sát và phản biện xã hội cần phát huy để làm tốt hơn nữa hoạt động giám sát việc thi hiện lời hứa của người ứng cử nếu trúng cử.

Dự kiến tới đây, Ban Thường trực UBTW MTTQ nghiên cứu xây dựng sáng kiến pháp luật theo đó Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội dự án Luật giám sát của Nhân dân, trong đó có quy định về vai trò, trách nhiệm, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc giám sát lời hứa của đại biểu dân cử với cử tri.

PV:Xin cảm ơn ông./.