Trong thảo luận tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng nay (29/5), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu ý kiến về những bất cập trong vận hành bộ máy, sử dụng quỹ BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra…

Đầu tư và đã mất vốn…

Vấn đề đầu tư sinh lời là một yếu tố quan trọng, nhưng đầu tư đâu có phải dễ. Ngân hàng cũng phải xem ngân hàng nào mới dám cho vay. “Giờ cho chúng ta làm Tổng Giám đốc quỹ BHXH, một năm ôm món tiền ấy để mua chứng khoán, bất động sản… chắc cũng không dám” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Ở các nước, BHXH cũng thành lập một DN để đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói đầu tư sinh lời nhưng thực chất chỉ là cho vay. Thành ra, BHXH chỉ mua TPCP, công trái quốc gia là an toàn nhất, rồi cho các NHTM cổ phần Nhà nước nắm chi phối vay. Làm như vậy mà còn mất. Cụ thể là đầu tư vào NH nông nghiệp PT-NT.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay, chúng ta làm chưa đúng Luật BHXH. Luật qui định: Tiền lương hưu của người hưởng BHXH hàng năm được điều chỉnh tăng dựa vào mức tăng trưởng GDP, tiền sinh lời đầu tư từ quỹ. Nhưng tiền thu từ người lao động không bao giờ BHXH dám đầu tư vào lĩnh vực nóng mà chỉ dám cho NH vay, cho ngân sách mượn, mua TPCP, công trái quốc gia. Nếu liều lĩnh chi đầu tư bất động sản, chứng khoán mà vỡ quỹ thì không có tiền bù vào.

Thời gian qua, điều chỉnh lương hưu không bao giờ căn cứ vào quỹ sinh lời mà cứ người đương chức tăng bao nhiêu cán bộ về hưu tăng bấy nhiêu. Hiện nay, ngân sách đang bỏ ra để tăng lương và bao giờ cũng công chức tăng lương bao nhiêu thì lương hưu tăng tương đương. Thậm chí người về hưu lại được tăng trước. Đó là những cái chúng ta chưa xử lý được. “Vậy luật này sửa đổi có giải quyết được vấn đề đó hay không?” – bà Kim Ngân đặt vấn đề.

Cần có thêm chức năng thanh tra

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn: “20.000 con người của BHXH không có chức năng thanh tra, ban hành văn bản quản lý Nhà nước. Cho nên, chỉ đến đôn đốc DN thu bảo hiểm”.

An sinh xã hội thì trụ cột BHXH là vững chắc nhất. Con người tham gia cái trụ này lại không có chức năng thanh tra. Bây giờ phải xác định nó thuộc chính phủ rồi nhưng phải có quản lý Nhà nước thì mới thanh tra được. Chứ còn ủy quyền rồi thì các Sở Lao động không bao giờ làm được. Giờ tăng người cho Bộ LĐ thì lại sai chủ trương giảm biên chế. Mà tăng cũng không làm được. Trong khi chúng ta có bộ máy 20.000 con người, theo dõi doanh nghiệp A, doanh nghiệp B…  thì vốn dĩ đã có chức năng thanh tra. Cho nên, trong lần sửa đổi này phải giải quyết được việc lực lượng này có được thanh tra hay không. “Tôi không đồng ý việc ủy quyền, vì ủy quyền cũng không làm được, không khả thi. Thanh tra của LĐ-TB-XH lại rất mỏng, mỗi sở chỉ có một vài người, mà còn làm đủ thứ việc chứ không riêng gì BHXH” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói

Về chính sách nhà nước, “đây là đơn vị sự nghiệp, nhưng nó phải cung cấp dịch vụ, trả lương hưu cho chúng ta (giống như bệnh viện, trường học). BHXH giữ quỹ để chi trả cho lao động từ khi bắt đầu công việc đến lúc nghỉ hưu để chi trả cho mấy chục năm sau. Thế mà BHXH chỉ có tính chất sự nghiệp không thì chưa ổn” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích rõ hơn vấn đề.

Việc trích 3% hay 5% từ thu BHXH cho hoạt động của bộ máy theo bà Kim Ngân cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. “Đưa ra mấy phần trăm thì cũng không có cơ sở vững chắc. Nếu thu tốt mà không có nợ nần gì thì không phải chỉ là 100.000 tỷ/năm mà phải là 150.000 tỷ. Khi đó, con số được trích lại sẽ tăng lên rất nhiều”.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, phần trích bao nhiêu giao Chính phủ qui định nhưng phải báo cáo UBTVQH để có cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) xem mức này được hay không để vừa đảm bảo bộ máy, khuyến khích tăng thu./.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Giao sổ Bảo hiểm cho người lao động để giám sát tốt hơn

Chính sách với bảo hiểm hưu trí là đóng dài hạn cho cả cuộc đời, và không đi làm nữa sống bằng gì? Chính tiền lương hưu là giải quyết khi về già và chính sách an sinh này là trụ cột số một trong các chính sách bảo hiểm nên các cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo cho việc thực thi pháp luật và tổ chức công đoàn tổ chức thực thi pháp luật.

Tôi nghĩ việc giao sổ cho người lao động sẽ được giám sát tốt hơn. Từ trước đến nay mình không đưa sổ nên họ không biết là đóng được bao nhiêu năm và đóng bao nhiêu tiền. Bây giờ, giao sổ BHXH cho người tham gia bảo hiểm để nếu có vấn đề gì thì sẽ khởi kiện ra tòa.

Đối với bảo hiểm hưu trí là trọng yếu, là trụ cột số một trong an sinh xã hội của nước ta. Lần này Luật Bảo hiểm xã hội sẽ sửa một nội dung liên quan khu vực phi chính thức. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho những người thu nhập thấp một phần nào đó để họ tham gia vào chính sách bảo hiểm hưu trí. Từ trước đến nay họ tự đóng nên rất thấp, đến nay mới chỉ có khoảng 150.000 người đóng. Nếu chúng ta hỗ trợ 1:1 thì sẽ có lợi ích và đối tượng đóng bảo hiểm sẽ tăng lên./.