Chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 19; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc ban hành Nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

201712111547484925_ndn_0153_jjuw.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)                               

Qua giám sát thực tế ở một số Bộ ngành, địa phương và xem xét, đánh giá báo cáo của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát nhận thấy: việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực của HĐND cơ bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và quy định của pháp luật. HĐND các cấp đã đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

Việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế; hoạt động chất vấn được tăng cường, bố trí thời gian thỏa đáng chiếm khoảng 30% thời gian tổ chức kỳ họp. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu HĐND được thực hiện nghiêm túc, ngày càng hiệu quả hơn.

Đồng tình với các nhận định trong báo cáo giám sát, cho rằng, 10 năm trở lại đây, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố có chuyển biến tích cực. Các phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM diễn ra rất sôi nổi, được cử tri rất quan tâm. Song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga còn băn khoăn về chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử này còn nhiều tồn tại, mà nguyên nhân là do việc bố trí cán bộ.

“Bố trí lãnh đạo HĐND có 7 đồng chí Chủ tịch HĐND chỉ là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy. Đây là vấn đề rất lớn, sẽ rất khó khăn cho hoạt động của HĐND khi đồng chí Chủ tịch HĐND chỉ là Thường vụ mà không phải là Phó Bí thư hoặc Bí thư. Thứ hai nữa là Phó Chủ tịch HĐND thì có tới 4 đồng chí không tham gia cấp ủy thì cũng sẽ rất là khó khăn” – bà Lê Thị Nga phân tích.

Một số ý kiến lại quan tâm đến hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND các tỉnh, thành phố. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hiện nay, ở một số địa phương, các kì họp của HĐND đều được tường thuật trực tiếp và sau đó đều có các văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, giải thích, trả lời chi tiết, đưa đến tận xã phường công bố cho cử tri biết. Vì vậy một số tỉnh đề nghị không cần thiết phải tổ chức tiếp xúc cử tri sau kì họp.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lại cho rằng, qua khảo sát nhận thấy việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng và ngoài địa bàn thì tỉ lệ thực hiện rất thấp, nên việc tiếp xúc cử tri trước và sau kì họp là bắt buộc.

Một năm hiện nay theo tiếp xúc cử tri là có 2 kì họp thì đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau kì họp tổng là 4 lần/năm. Tôi nhận thấy việc tiếp xúc cử tri tối thiểu là trước và sau kì họp, ngoài ra thì phát triển thêm. Vì thực ra tiếp xúc cử tri sau kì họp không hẳn chỉ là mỗi báo cáo kết quả kì họp mà qua đó lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân và cũng thể hiện trách nhiệm của đại biểu trong việc giữ mối liên hệ với cử tri bầu ra mình” – bà Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm.

Một số đại biểu đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng thời gian công khai thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri, đa dạng cử tri. Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của Thường trực HĐND, các thành viên Thường trực HĐND, nhất là trong chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động. Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp.

Diễn ra từ hôm nay đến ngày 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 4, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; việc điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020; việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; việc sử dụng số vốn kết dư sau khi hoàn thành các dự án đóng tàu Cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện theo Nghị quyết số 72 của Quốc hội và một số nội dung quan trọng khác./.