Sáng 15/2, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương để nghe báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đặt ra nhiều câu hỏi với đại diện 3 Bộ có trách nhiệm trả lời là: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá các Bộ đã có nhiều cố gắng trong quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cứ nói đã ban hành quy phạm đầy đủ, tiêu chuẩn, quy, định mức, ngưỡng an toàn và kiểm tra thường xuyên thì vì sao vẫn thấy tình hình an toàn thực phẩm ở rất nhiều địa phương ở mức báo động, thậm chí vài địa phương đã đến “giới hạn đỏ”?

phung_quoc_hien_qovb.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Ảnh: Quốc hội)

Theo ông Hiển, dù đã tổ chức kiểm tra rất nhiều nhưng tính ra mỗi cuộc chỉ phạt được 200.000 đồng, không bằng xử phạt vi phạm an toàn giao thông, trong khi vi phạm rất nghiêm trọng thì hầu như không có vụ nào xử lý hình sự cả.

Dẫn chứng vụ 7 người chết ở Lai Châu do ngộ độc vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đã có người tử vong vì an toàn thực phẩm thì là câu chuyện rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh.

“Trong những vụ việc như thế, trách nhiệm của các Bộ thế nào? Đã chỉ ra người đứng đầu có vi phạm chưa? Huyện, xã, thôn thế nào? Những vấn đề này phải đưa vào nghị quyết của Quốc hội, không thể ở xã mà Chủ tịch xã bảo tôi không biết hoặc giấu đi chỉ vì lợi ích của địa phương” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trả lời tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay,

hiện các chủ trương chính sách lớn liên quan đến vấn đề này đã và đang được bổ sung và công tác thực hiện cũng có nhiều tiến bộ.

Liên quan đến vụ ở Lai Châu khi một người chết vì uống rượu, sau đó 7 người khác đi đưa ma lại uống đúng rượu đó và chết, Bộ trưởng Y tế thẳng thắn cho rằng cả ba Bộ đều có trách nhiệm, nhưng cũng còn trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an xã và cơ sở sản xuất loại rượu đó.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến “báo động đỏ” của an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm và cần quan tâm đến vấn đề này trong Bộ luật Hình sự: “Cứ nói gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự, nhưng đến mức chết người rồi còn nói chuyện gì nữa”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, vấn đề không phải sửa luật hình sự hay quy định trách nhiệm hình sự, mà bản chất là người được pháp luật cho xử lý họ lại không làm, bởi quy định về trách nhiệm hình sự hiện hành cũng rất nghiêm khắc.

“Có cán bộ xã bảo biết vi phạm nhưng không dám xử lý vì sợ “có giỗ về không biết về với ai”. Không phải câu chuyện không có chế tài, rất nhiều địa phương không thực hiện việc đó, ba Bộ làm sao tai mắt xuống tận địa phương, vấn đề là nguời có thực quyền không làm và cứ trì trệ suốt như thế, phải giải mã nếu không cứ thế thôi!”, ông Bộ chia sẻ.

“Ăn cỗ là việc cá nhân, anh nhận tiền thuế của dân mà lại lo chuyện ăn cỗ, nếu anh thiên về tình cảm như thế thì đừng làm cán bộ nữa cho nó rõ ràng rành mạch” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn trong phần kết luận buổi làm việc và đề nghị cần làm rõ vai trò đứng đầu địa phương xem nhiều vụ việc không biết hay biết mà lờ đi, năng lực, hiệu quả quản lý có vấn đề.

Trưởng Đoàn giám sát cho rằng các Bộ đã có nhiều cố gắng làm tốt vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đôn đốc, trực tiếp thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra... Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên cần có biện pháp quyết liệt để giải quyết.

“Đánh giá không tô hồng hay bôi đen mà cần nhìn thẳng vào sự thật, vì chỉ khi nào thấy được khuyết điểm thì mới khắc phục được” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.