Từ ngày 4-6/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Châu Á tổ chức lớp tập huấn dành cho 50 nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội đến từ 10 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Lạng Sơn và Điện Biên.

vov_tap_huan_wjyx.jpg
Khóa tập huấn được tổ chức từ ngày 4-6/4

Khóa học nhằm trang bị cho các nữ ứng cử viên những kiến thức tổng quan về Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong các Luật hiện hành.

Học viên cũng được giới thiệu về chương trình hành động, cách thức xây dựng một chương trình hành động hấp dẫn, cách thức trình bày chương trình đó một cách thuyết phục tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Các học viên đã chủ động vận dụng những hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm cùng nhau chuẩn bị chương trình hành động của mình.

Nghị quyết số 11 năm 2007 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ “phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%”. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”.

Trong đội ngũ lãnh đạo nhà nước cấp cao, hiện có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước. Ở cấp địa phương, nữ giới cũng dần tham gia ở những vị trí trước kia do nam giới nắm giữ. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Quốc hội. Đây thực sự là tấm gương điển hình để nữ cán bộ tích cực phấn đấu đi đến thành công.

Ông Dennis Curry, trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng phòng Quản trị công, nhấn mạnh: “Sự tham gia của nữ giới vào các vị trí lãnh đạo trong chính trị và hành chính công sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan chủ chốt. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách. Nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác đã cho thấy sự tham gia của phụ nữ ở các vị trí hoạch định chính sách thật sự đã nâng cao chất lượng hoạt động chung của các cơ quan công quyền”.

Kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của nữ đại biểu Quốc hội sẽ giúp họ tham gia chủ động hơn vào các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bà Điểu Huỳnh Sang, ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho biết: “Mặc dù chỉ chiếm 24,4% trong Quốc hội, song các nữ đại biểu khóa XIII đã tham gia tích cực vào các hoạt động, với 29,9% ý kiến chất vấn trực tiếp trên nghị trường Quốc hội; 33,52% ý kiến phát biểu về các chuyên đề giám sát tối cao; trung bình có 30% ý kiến ĐBQH nữ tham gia xây dựng luật, có kỳ họp lên đến hơn 50%”.

Nhóm Nữ nghị sĩ Quốc hội, được thành lập vào tháng 5/2008, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động tại Quốc hội, đặc biệt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 40 dự án luật, bao gồm bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, bộ Luật Dân sự, bộ Luật Hình sự, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, lần đầu tiên Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã có những quy định cụ thể về tỷ lệ nữ ứng cử viên, quy định này đang được tích cực triển khai trong công tác bầu cử. Thành công đó là kết quả của sự nỗ lực liên tục của nhiều nữ đại biểu Quốc hội mà khởi đầu họ cũng đã trải qua quá trình học tập, tích lũy kiến thức như các nữ ứng cử viên ứng cử lần đầu trong khóa tập huấn này./.