Phát biểu trong phiên thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh đến yếu tố nguồn nhân lực. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ cần coi tái cơ cấu lại nguồn nhân lực vừa là khâu đột phá, vừa là nhiệm vụ song hành, đồng bộ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Thứ nhất, là phân bổ hợp lý lực lượng lao động về các vùng miền nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Hiện nay, lực lượng lao động của nước ta phân bổ chưa hợp lý giữa các vùng miền, đồng bằng sông Hồng chiếm 22,7%, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 20,1%, trung du miền núi phía Bắc là 13,8%, trong đó Tây Nguyên là 5,8%. Nếu nhà nước không có giải pháp cơ bản để điều phối lực lượng lao động sẽ không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực để tái cơ cấu kinh tế theo các vùng và lãnh thổ. Đó còn là nguyên nhân dẫn đến di cư tự do, đó là hậu quả của vấn đề kinh tế và xã hội phức tạp, gây khó khăn cho các địa phương, nơi mà có dân cư đến.
Thứ hai, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, phải tạo một bước đột phá trong việc nâng cao nguồn nhân lực. Cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay còn bất hợp lý, tỷ lệ đại học trở lên là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và dạy nghề chỉ 0,92%, trong đó cơ cấu hợp lý của quốc tế là 1-4-10. Theo kết quả khảo sát của một số quốc gia châu Á, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trong thang điểm 10 và xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát. Đây là nhân tố kìm hãm sự tăng năng suất lao động. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét và tiếp tục tăng nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là quan tâm phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn nhằm đảm bảo nhân lực cho tái cơ cấu nông nghiệp cả trồng trọt và chăn nuôi, lâm thủy hải sản chế biến, đặc biệt là công nghiệp dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cần cơ cấu lại năng suất lao động trong nội bộ các ngành kinh tế, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp. Nền kinh tế của chúng ta đang chủ yếu dựa vào khai thác từ tài nguyên và thâm dụng lao động, năng suất rất thấp. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp chỉ bằng 1/3 công nghiệp và bằng 1/4 dịch vụ. “Đề nghị Chính phủ có giải pháp tái cơ cấu nguồn nhân lực trong các ngành và nội bộ từng ngành để tăng năng suất lao động” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Năm 2013, tỷ lệ lao động nông nghiệp của nước ta vẫn chiếm 46,9%, với tốc độ dịch chuyển như hiện nay thì rất khó có khả năng đạt mục tiêu 30% lực lượng lao động vào năm 2020.
Cuối cùng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị phải tái cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lao động để khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng, dẫn đến sinh viên ra trường không có việc làm. Hiện nay có hơn 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học trở lên chưa tìm được việc làm trong khi việc đào tạo vẫn tràn lan theo những ngành nghề mà cơ sở đào tạo có, chưa chú ý đến đào tạo nhu cầu sử dụng của thị trường lao động./.