- Quán triệt 3 điều kiện đảm bảo tăng trưởng bền vững
- Nỗ lực vượt qua thách thức mới
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII
Sáng 22/3, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII diễn ra dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các đại biểu nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sau đây gọi là dự thảo Luật).
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, để có thêm cơ sở cho việc chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức Hội thảo để các cơ quan hữu quan, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, các nhà khoa học… thảo luận đóng góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung quan trọng của dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Ý kiến của 18 đại biểu phát biểu đều đồng ý với các điều khoản cần sửa đổi, bổ sung đã được nêu trong dự thảo Luật. Về việc kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự theo khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự, có ý kiến đề nghị quy định tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, Viện Kiểm sát tham gia và phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện Kiểm sát phát biểu cả về việc giải quyết vụ án.
Bên cánh đó, cũng có ý kiến khác đề nghị quy định Kiểm sát viên được quyền phát biểu về việc giải quyết vụ án ở tất cả các phiên tòa, phiên họp.
Các đại biểu Vũ Duy Hòa (đoàn Thanh Hóa), Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), Hà Công Long (đoàn Gia Lai) đều tán thành và cho rằng: Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước... Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị quy định Viện Kiểm sát tham gia các phiên toà, phiên họp xét xử sơ thẩm vụ việc dân sự là cần thiết.
Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác, (khoản 7, điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 32a), một số đại biểu lo lắng tính thực thi của quy định này. Bởi lẽ, thực tiễn thi hành Bộ Luật Tố tụng dân sự cho thấy trong quá trình xét xử vụ án dân sự, có những quyết định của cơ quan, tổ chức khác liên quan đến vụ án rõ ràng trái pháp luật, nếu Tòa án chỉ có quyền kiến nghị hủy bỏ thì Toà án phải dừng việc giải quyết vụ án và chờ cơ quan, tổ chức khác xem xét huỷ bỏ quyết định trái pháp luật, sau đó việc giải quyết vụ án mới được tiếp tục.
Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cho rằng: Từ khi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 đến thời điểm ban hành Bộ Luật Tố tụng dân sự thì không có trường hợp nào Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức. Đại biểu Trần Thế Vượng nêu rõ: ”Với việc tổ chức Tòa án gắn liền với cơ quan hành chính, cho nên 1 Thẩm phán ở Tòa án huyện không thể hủy quyết định của Chủ tịch huyện. Vấn đề này vừa có pháp lý, vừa có thực tế ở nước ta, chỉ có cấp trên hủy được quyết định cấp dưới và của mình. Trước khi quyết định xét xử vụ án dân sự, thì Tóa án hay Hội đồng xét xử hủy và hủy văn bản của cơ quan nào. Do đó, tôi đề nghị không đưa quy định này vào dự thảo Luật”.
Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) đề nghị giữ nguyên quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát như quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành. Đại biểu Lê Văn Cuông nêu rõ: ”Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đã nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, theo tôi, có một số vụ án dân sự chất lượng không đảm bảo cho nên người dân có nhiều đơn khiếu nại lên cấp trên, trong đó có Quốc hội. Vì vậy, chúng ta phải làm thế nào để người dân tránh bị án sai”.
Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 32a), có ý kiến đề nghị quy định Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức như nội dung Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989.
Về thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 85 Bộ Luật Tố tụng dân sự), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ vào khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác lại đề nghị quy định thời hạn cụ thể về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát...
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục làm việc trên Hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô và thảo luận về dự thảo Luật này./.