Theo chương trình của Kỳ họp thứ 4, chiều nay 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Vấn đề còn ý kiến khác nhau

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 lần này. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, tuyệt đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này nhằm điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng về việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động thì còn có ý kiến khác nhau.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu là thuộc các văn bản dưới luật, chưa thật sự đầy đủ và còn tản mát, chưa có tính hệ thống.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này thì việc quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật này là cần thiết. 

Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo đảm để người dân thực hiện dân chủ ở một số loại hình cơ sở.

Tuy nhiên, nếu chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở (gồm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) thì vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở trong khi đây mới là khu vực cần được hỗ trợ tích cực để người lao động có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, vẫn có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn và  ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay để bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ thành lập  Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn bởi ở loại hình cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của người đứng đầu, quản lý cả về mặt  hành chính và về lợi ích vật chất nên khó bảo  đảm tính độc  lập trong thực  hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn.

Do 2 nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nêu trên vẫn còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến./.