Sáng 18/7, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nghe tổ kiểm phiếu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 14 chức danh do HĐND tỉnh bầu và thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, các Trưởng ban HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thành viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu đều được bỏ phiếu lấy tín nhiệm. Nhìn chung các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao, thấp nhất cũng đạt hơn 71% phiếu tín nhiệm.

Sau khi nghe báo cáo kết quả, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Ninh (khóa XII) diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 16-19/7/2013. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng như : Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013, thống nhất đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013; HĐND tỉnh cũng đã cho ý kiến về các báo cáo kết quả giám sát theo nghị quyết của Hội đồng về chương trình giám sát năm 2013, kết quả kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh; tiến hành giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn những nội dung nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Xem xét quyết nghị thông qua các Đề án, tờ trình của UBND tỉnh như: Thông qua Đề án Thành lập đơn vị hành chính xã Đảo Trần thuộc huyện Cô Tô; Đề án đề nghị công nhận Thành phố Uông Bí là đô thị loại II; Đề án đặt tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hạ Long, Thành phố Móng Cái, Thành phố Uông Bí và huyện Hoành Bồ; Đề án đề nghị công nhận đô thị Đông Triều mở rộng là đô thị loại IV; Tờ trình thông qua nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoành Bồ, Đầm Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường, các ý kiến đều khẳng định 6 tháng đầu năm nay, mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song bằng các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì  mức tăng trưởng khá ổn định. Đó là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình công tác 6 tháng đầu năm cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các đại biểu cũng đề ra những tồn tại như thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, có cơ quan vẫn còn chưa tạo điều kiện, thậm chí gây khó khăn cho các doanh nghiệp; việc xử lý dự án “treo” vẫn chưa triệt để, gây khó khăn cho người dân; việc rà soát, cắt giảm các công trình đầu tư dàn trải chưa quyết liệt, nên chưa tập trung được nguồn lực cho các công trình trọng điểm; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, làm hạn chế lợi thế so sánh của tỉnh. Cùng với đó là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân và tình hình khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…

Các đại biểu cũng tham gia về nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Các đại biểu đã đề nghị cần tập trung vào các giải pháp: Tăng cường thảo luận, trao đổi để tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết các vụ việc khiếu tố; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó Công an phải là lực lượng nòng cốt; tiếp tục quan tâm giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân; cần quan tâm giải quyết việc làm, nhất là với những người bị mất việc do kinh tế khó khăn…các đại biểu cũng thống nhất, cần chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành.

Liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường đầu tư phát triển du lịch, nhất là những khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, đi đôi với tăng cường công tác quản lý; chủ động xây dựng các giải pháp nhằm thu hút đầu tư. Tỉnh ưu tiên cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, đồng thời xem xét, đánh giá lại cơ chế phân cấp đầu tư...Công khai, quản lý tốt các khoản thu phí tham quan Vịnh Hạ Long. Việc tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long theo dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh là hợp lý, nhưng cần công khai các khoản thu phí để quản lý chặt chẽ và có giải pháp trong việc thu phí để tăng thu ngân sách Nhà nước, nên chia phí dịch vụ riêng cho đối tượng khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đề nghị bỏ phí tham quan chung và triển khai thu phí theo tour, tuyến như trước đây.

Đề án thành lập xã đảo Trần, huyện Cô Tô là nội dung “nóng” trong các phiên thảo luận. Đề án di dân ra đảo Trần thể hiện chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, vừa tạo điều kiện cho người dân sinh sống, phát triển KT-XH, vừa góp phần giữ gìn và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các chính sách của tỉnh đưa ra cho các đối tượng tình nguyện ra đảo  sinh sống là rất phù hợp. Tuy nhiên việc di dân ra đảo Trần sinh sống liên quan đến cuộc sống lâu dài, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ chế chính sách sao cho thật phù hợp, nếu không sẽ rất khó tháo gỡ về sau.  Nhiều đại biểu cũng có ý kiến không nên đưa vào điều khoản chế tài xử lý các hộ dân vi phạm các điều khoản cam kết khi ra đảo Trần sinh sống, vì ra đây đều đã trên tinh thần tự nguyện rồi./.