Giai đoạn 2021 - 2025, công tác cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Nam được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu cụ thể, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo để đánh giá. Việc triển khai chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Nam thời gian qua cũng có chuyển biến về lượng lẫn chất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tại các huyện trung du, miền núi tỉnh Quảng Nam, những năm trước đây, khi thực hiện thủ tục hành chính người dân phải vất vả đi lại hàng chục cây số để đến cơ quan hành chính. Hiện nay, việc thực hiện các thủ tục thuận tiện hơn rất nhiều. Chị Trịnh Thị Huyền Trang, ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, thay vì dành cả một buổi để đến trụ sở UBND xã làm thủ tục hộ tịch, hộ khẩu cho con, bây giờ mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ phần mềm xử lý thủ tục hành chính (app Smart Quảng Nam) được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, thành phố Tam Kỳ đã triển khai mã QR tra cứu thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công. Hiện, tất cả xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ đã thực hiện niêm yết bảng mã QR thủ tục hành chính. Từ ngày 1/3 năm nay, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường xuất hiện bảng niêm yết 12 mã QR, tương ứng với 94 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên tất cả các lĩnh vực. Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR chuyên trang để truy cập thông tin thủ tục hành chính.
Anh Đặng Thành Hưng, ở phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ khi có bảng mã QR mọi việc dễ dàng, tiện lợi hơn ngày xưa rất nhiều. Bây giờ đa số người dân đều có điện thoại thông minh nên việc quét mã QR rất nhanh giúp quá trình chứng thực thủ tục tiện lợi hơn.
Tại “bộ phận một cửa” cấp xã, cấp huyện của tỉnh Quảng Nam thời gian qua không còn cảnh người dân chen nhau thực hiện thủ tục hành chính. Ngay cả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Nam, áp lực xử lý hồ sơ đã giảm đáng kể nhờ tập trung mạnh vào chuyển đổi số, nhất là ở lĩnh vực hành chính công.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Trung tâm đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 1.280 thủ tục trong tổng số gần 1.450 thủ tục hành chính. Hơn 86% trong số đó đã được đồng bộ hoá, cập nhật lên Cổng dịch vụ công quốc gia: "Dịch vụ công trực tuyến thì có tăng khả quan, thể hiện trên bản đồ thể chế của Quốc gia của Chính phủ cũng như bản đồ thể chế của Quảng Nam mới ban hành. Đây là 1 điều đáng mừng.”
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam tập trung giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng cao so với mọi năm. Tuy số lượng thủ tục hành chính trực tuyến tăng nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quen với việc sử dụng công nghệ khi thực hiện thủ tục hành chính. Đây là rào cản lớn để tỉnh đẩy mạnh triển khai giải quyết thủ tục trên môi trường mạng.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương sẽ không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hạ tầng, đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia mà Quảng Nam đã và đang tập trung vào chuyển đổi số từ cơ sở, từ mỗi cá nhân, gia đình và doanh nghiệp. Hiện, tỉnh tôi đang đẩy nhanh cái việc này, một mặt là hướng dẫn người dân, hướng dẫn doanh nghiệp, mặt khác cầm tay chỉ việc để người dân quen với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. UBND tỉnh hỗ trợ mạng wifi đến tận các thôn xóm, sử dụng với mức phí giảm khi dùng wifi.
Tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số PAPI, PCI, thông qua việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền về cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cụ thể, rõ ràng, thực chất và không hình thức. Nhiều ứng dụng đưa vào thực tiễn đã phát huy hiệu quả như Egov-Quảng Nam, Smart Quảng Nam, tổng đài 1022 hay ứng dụng phản ánh hiện trường đã được thiết lập, kết nối chính quyền, cơ quan quản lý sẵn sàng tiếp nhận, trả lời mọi kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Tất cả các giải pháp đưa ra đều hướng đến mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong cải cách hành chính”./.