Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng lao động nước ngoài và công tác quản lý lao động nước ngoài tại một số địa phương, địa bàn hiện có nhiều lao động nước ngoài làm việc, xử lý các vi phạm về pháp luật lao động theo đúng quy định và phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 31/5. Mục tiêu của việc làm này là kiểm tra một cách toàn diện hơn tình hình liên quan tới người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phải có sự thống kê và quản lý chặt chẽ số lượng người nước ngoài sang Việt Nam lao động bằng con đường đi du lịch và làm theo các dự án nước ngoài.

PV: Bà nhận định như thế nào khi trong lúc nền kinh tế đang có nhiều biến động như hiện này, nhiều lao động trong nước bị mất việc làm, mà lao động nước ngoài lại ồ ạt tràn vào nước ta?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Trong thời buổi hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, Việt Nam đang thúc đẩy việc đưa người ra nước ngoài làm việc và không thể nói là cấm không cho người nước ngoài sang nước ta lao động. Vấn đề đáng đề cập là lao động Việt Nam sang nước ngoài cũng như người nước ngoài vào Việt Nam làm việc phải đúng pháp luật.

PV:Bộ LĐ-TB&XH có những biện pháp như thế nào để kiểm soát số lượng người nước ngoài sang Việt Nam làm việc?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân:Nhiều người nước ngoài sang Việt Nam lao động phần lớn thông qua con đường đi du lịch và theo những dự án nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, những người nước ngoài làm việc theo cho những nhà thầu nước ngoài trúng thầu ở Việt Nam hầu như không được cấp giấy phép lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân: Quản lý lao động nước ngoài làm việc Việt Nam phải từ khâu kiểm soát nhân khẩu ở từng địa bàn. Đơn vị, doanh nghiệp nhận lao động nước ngoài vào làm việc phải khai báo số lượng người nước ngoài làm việc, kỹ năng, trình độ, kỷ luật lao động của lao động với cơ quan công an và Bộ LĐ-TB&XH.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có số liệu cụ thể về số lượng lao động nước ngoài làm việc tại nước ta. Để kiểm soát số lượng lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng với Bộ Công an, các địa phương, doanh nghiệp thống kê số lượng cụ thể lao động có đủ sức khoẻ, trình độ, khả năng; cần được cấp giấy phép làm việc cho những dự án nước ngoài ở Việt Nam theo đúng quy định của Nhà nước. Khi được cấp giấy phép làm việc tại nước ta, những lao động nước ngoài này sẽ phải tuân thủ sự quản lý lao động của pháp luật Việt Nam về thời hạn làm việc, quy định về lao động…

PV: Như vậy, phải mất một thời gian tương đối dài thì chúng ta mới có thể thống kê được số lao động nước ngoài đủ tiêu chuẩn làm việc tại Việt Nam. Trong khi đó, tình trạng lao động nước ngoài ồ ạt vào nước ta qua con đường đi du lịch sẽ là rất lớn và chúng ta gần như đã buông lỏng việc quản lý lao động nước ngoài trong một thời gian?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân:Chúng ta cũng sẽ mất một thời gian mới có thể kiểm soát được số lượng người nước ngoài sang Việt Nam lao động. Tuy nhiên, cũng phải nói rõ là Bộ LĐ-TB&XH chỉ quản lý về mặt Nhà nước đối với lao động nước ngoài nhưng không có chức năng cấp phép cho một công dân nước ngoài sang Việt Nam. Việc cho phép người nước ngoài vào nước ta là trách nhiệm của cơ quan xuất nhập cảnh.

Vấn đề nhiều người nước ngoài vào Việt Nam lao động không kiểm soát hết được phải nói là do vẫn còn do yếu kém, lỗ hổng khi địa phương không yêu cầu chặt chẽ doanh nghiệp khai báo rõ ràng, cụ thể về số lượng người lao động nước ngoài.

Theo tôi, để kiểm soát số lượng lao động nước ngoài vào nước ta làm việc, phải bắt đầu chính từ sự hợp tác nhiệt tình của phía doanh nghiệp, địa phương với cơ quan công an quản lý nhân khẩu của địa phương đó. Chúng ta phải đề cập tới trách nhiệm của từng doanh nghiệp, địa phương và các cơ quan quản lý lao động ở từng mức độ nào khách quan chứ không phải khi xảy ra tình trạng lao động nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam không thể kiểm soát hiết được thì lại đổ dồn hết về phía Bộ LĐ-TB&XH. Nếu quy định Nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý lao động thì ở cấp Trung ương là những Bộ, ban, ngành cụ thể nào? Ở địa phương là cấp chính quyền nào? Cơ quan, doanh nghiệp là những ai?

PV:Vậy theo bà, Nghị định về quản lý lao động nước ngoài phải sửa đổi cụ thể những vấn đề nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân:Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2008 về quản lý lao động nước ngoài. Theo tôi, chúng ta phải rà soát lại việc cấp phép thời gian cho người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích cụ thể là gì và có sự kiểm soát chặt chẽ xem có đúng không?. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đề cập tới trách nhiệm quản lý nhân khẩu tại các địa bàn của các địa phương./.