Nhật Bản trở thành nước ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác hợp tác hàng đầu. Cùng với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 40 tỷ USD năm 2016, phấn đấu ở mức 60 tỷ USD đến năm 2020, các hoạt động giao lưu văn hóa được thúc đẩy thường xuyên, góp phần làm thực chất mối quan hệ toàn diện giữa hai nước.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước trong dòng chảy lịch sử vẫn đang được nghiên cứu một cách sâu rộng hơn, đầy đủ hơn nhằm góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, làm sâu sắc hơn mối quan hệ bạn bè tin tưởng giữa hai quốc gia.

chua_cau_ebjr.jpg
Chùa Cầu Hội An- dấu ấn quan hệ Việt-Nhật còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 2013 là năm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và đến năm 2018 sẽ đánh dấu mốc 45 năm. Đây là những dấu mốc có ý nghĩa, minh chứng cho những giai đoạn phát triển tốt đẹp chưa từng có của quan hệ hai nước. Trong quá khứ, mối quan hệ này cũng đã rất phát triển, làm tiền đề cho những giai đoạn phát triển sau này.

Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản có từ rất sớm

Có giả thiết cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đã có từ rất sớm. Nhà nghiên cứu người Nga P. I Boriskovski cho rằng: “Từ sơ kỳ thời đại đồ đá mới, ở miền Trung nước Nhật Bản đã thể hiện những mối liên hệ với nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn ở Việt Nam”.

Mặt khác, cùng chung sống trong một khu vực, cư dân hai nước đã từ lâu tồn tại nhiều nét “đồng dạng” và “đồng tông” về phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo. Việt Nam có dòng giống Tiên Rồng, còn Nhật Bản cho rằng, họ là con của thần Mặt Trời. Nghĩa là có yếu tố thần linh trong vấn đề nòi giống.

Tư liệu lịch sử cũng đã ghi lại rằng, vào năm 752 đã có một nhà sư Việt Nam đến Nhật Bản để dự lễ khai trương pho tượng Phật tại chùa Todaiji (東大寺) ở Nara là thủ đô của Nhật Bản thời đó. Và người Nhật Bản đầu tiên đến Giao Châu (tên nước Việt Nam thời cổ đại) là Abe (安部).

Ông đã du học thành tài tại Trung Quốc và từng làm quan thời nhà Đường. Do vậy, ông khá nổi tiếng và làm tới chức Bí thư giám phụ trách thư viện Hoàng Đế. Năm 761 vào thời của Vua Đường Huyền Tông, ông được phong chức Tả tán kỵ thường thị và bổ nhiệm làm Tiết độ sứ An Nam. Ông đã có nhiều công lao trong việc hòa giải tranh chấp giữa các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới Vân Nam.

Theo giáo sư  Hà Văn Tấn thì vào những năm 1274 và năm 1281 khi Hốt Tất Liệt phái hạm đội sang đánh các đảo Tsushima, Iki, vịnh Hakojaki của Nhật Bản, đã bị nhân dân Nhật Bản kháng cự lại, khiến cho quân Mông-Nguyên thất bại thảm hại.

Đang dự định tấn công Nhật Bản lần nữa thì Hốt Tât Liệt lại chuyển sang xâm lược Giao Chỉ (Việt Nam). Chính điều này ngẫu nhiên sự yên bình của Nhật Bản được trở lại, và điều này được các nhà sử học Nhật bản thừa nhận rằng đã góp phần vào tình hữu nghị chiến đấu chống kẻ thù chung của dân tộc Nhật-Việt.

Theo nhiều tài liệu cổ của Nhật Bản, thì ngay từ rất sớm Nhật Bản đã tăng cường giao lưu với bên ngoài, đặc biệt là với  các nước như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha... Chính sự giao lưu này không những làm phát triển Nhật Bản, mà còn làm thay đổi tư duy vốn từ lâu bị lệ thuộc vào tư duy truyền thống. Và Việt Nam cũng là một vùng đất mà người Nhật hướng tới. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh ngay từ đầu thế kỷ 15 đã có một số ít người Nhật Bản tới buôn bán ở Việt Nam.

Hội An: Dấu ấn lịch sử của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Thời kỳ Toyotomi Hideyoshi (1536-1598) thương gia Shirahama Kenki đã cùng 5 chiếc thuyền lớn đến buôn bán ở Cửa Việt( Thuận Hóa) thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Đây có thể nói là mốc quan trọng trong việc Nhật bản mở rộng thông thương với Đàng Trong. Sau đó, ngoài thương gia này còn có nhiều thương gia khác tới Đàng Trong với mục đích buôn bán.

Theo số liệu thống kê từ năm 1604-1634 trong số 331 giấy phép cấp cho các tàu thuyền giao dịch buôn bán với nước ngoài có 121 giấy phép cấp cho các tàu thuyền Nhật Bản buôn bán với Việt Nam. Trong giai đoạn này Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hàng tơ lụa, trầm hương, gỗ, thạch anh, sơn mài, đồ sứ, dầu thông, nhục quế, kẽm, tô mộc… và xuất khẩu chủ yếu sản phẩm công nghiệp, đồ dân dụng như kim loại, gươm, áo giáp, thuỷ tinh, đồ trang sức …

Hội An xưa.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này Hội An rất nhộn nhịp với việc người Nhật Bản thành lập khu phố của người Nhật với lối sống riêng, phong tục riêng. Con phố này dài tới gần 2km, đã có lúc có tới hơn 100 hộ với gần 1000 người Nhật Bản lưu trú tại đây.

Cố đạo người Bồ Đào Nha đến Hội An năm 1618 đã ghi trong ký sự của mình rằng: “Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những người buôn bán chính yếu ở Đàng Trong, tại một cảng ở đây. Thành phố ấy gọi là Faifo (Hoài Phố) lớn đến mức có thể nói là gồm hai con phố, một nửa của người Trung Quốc và một nửa của người Nhật Bản”.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh, lúc này Hội An tồn tại với tư cách là một đô thị thương mại buôn bán với nước ngoài hơn là một nơi buôn bán trong nước như Phố Hiến và Kẻ Chợ.

Nhà nghiên cứu Nhật Angurao Sadao đã viết trong tác phẩm”Người Nhật thời kỳ Châu Ấn thuyền”như sau: “So với phố của người Hoa thì phố Nhật bao gồm cả những ngôi nhà hai tầng, có cấu trúc cầu kỳ hơn, các ngôi nhà làm san sát vào nhau. Trong đó có những ngôi nhà làm ba tầng rất cầu kỳ. Ở những ngôi nhà nhìn ra đường có làm hiên để chống nóng. Không có chỗ nào là không giống dáng dấp của những căn nhà của dòng họ Chaya ở Owari”.

Sở dĩ phong cách kiến trúc ở phố Nhật ảnh hưởng dòng họ Chaya (ở Nhật Bản tồn tại chế độ dòng tộc, và nó ăn sau trong tiềm thức, truyền thống dân tộc) bởi lẽ dòng họ Chaya là một trong những số người Nhật đầu tiên bước chân tới Hội An. Đầu tiên là thương gia Chaya Shinrojiro đến và ở Hội An giai đoạn từ 1615 - 1624.

Ông cũng là người lập ra bản đồ hàng hải Giao Chỉ “Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ” trong đó có kèm theo một bức tranh vẽ phố Hội An và có tên gọi là tranh Chaya, hiện tại được lưu giữ tại Chùa Jomyo ở thành phố Nagasaki-Nhật Bản.Và đặc biệt tại nhà thờ dòng họ Chaya ở Nagoya (tỉnh Aichi ngày nay) còn giữ một bức tượng Phật Bà Quan Âm do Chúa Nguyễn tặng và một bức hoạ mang hình ảnh chiếc tàu buôn của dòng họ Chaya đến Hội An.

Trong giai đoạn 1600 chế độ Mạc Phủ Tokugawa ra đời có thể coi là thời kỳ phát triển nhất và cũng là cuối cùng của chế đố phong kiến Nhật Bản (kết thúc vào năm 1868). Trong giai đoạn này chính sách giao lưu với bên ngoài rất được coi trọng đặc biệt là với Anh và sau này là Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Bên cạnh đó, Tokugawa cũng tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản bằng cách tăng cường việc cho phép các thuyền của Nhật tới một số nước Châu Âu và Châu Á. Do vậy, việc hình thành các Phố Người Nhật (日本町-Nihonmachi) ở nước ngoài là một tất yếu. Con Phố Nhật được hình thành sớm nhất là ở Luzon (Philippin) vào năm 1603, sau đó là ở Phnompenh (Campuchia) năm 1618, Hội An (Việt Nam) 1617 bên cạnh khu phố của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này người Nhật không chỉ tập trung buôn bán ở Hội An mà cũng buôn bán rất sớm với Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay), Thanh Hà (Huế), Touran (Đà Nẵng).

Năm 1635, do lệnh bế quan tỏa cảng của Nhật Bản mà việc thông thương giữa Nhật Bản và Việt Nam bị gián đoạn. Một số người Nhật lưu lại tại Hội An và sinh sống tại đây. Trong số đó có Araki Sotaro và Shicho Eikichi. Năm 1626 Satoro kết hôn với công chúa Ngọc Vạn (con chúa Nguyễn Phúc Nguyên).

Sau này công chúa cùng chồng trở về quê chồng ở Nagasaki và mất tại đây vào năm 1643 (có sách viết vào năm 1645). Hiện đền thờ công chúa vẫn còn ở Nagasaki. Tại Bảo tàng nghệ thụât thành phố còn trưng bày chiếc gương có bốn chữ “An Nam Quốc kính” mà Công chúa đem về từ Việt Nam. Đây cũng có thể là kỷ vật mà Chúa Nguyễn đã tặng cho Công chúa khi đi lấy chồng.

Trong một bức thư đề ngày 22/4/1619 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thông báo cho Mạc Phủ Nhật Bản rằng đã công nhận Satoro vào dòng họ quí tộc và ban quí danh là Nguyễn Đại Lượng, hiệu là Hiếu Hùng. Trong thư có đoạn viết: “Đó không những là việc làm vinh hiển cho cung đình ta mà còn làm vững chắc mối quan hệ giao thương hai cõi Nam-Bắc”.

Đây là một yếu tố mang tính chính trị, vừa tỏ thiện chí bang giao, vừa mong muốn quan hệ buôn bán được rộng mở, góp phần vào lợi ích chung của hai bên. Việc gả công chúa cho “rể” người nước ngoài không còn mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam, nhưng trong mỗi giai đoạn khác nhau thì mục đích lại khác nhau.

Trong thời gian ở Hội An Araki Satoro đã giúp Chúa Nguyễn Phúc Nguyên hàng năm tổ chức đội thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thu hàng hoá, vũ khí của các tàu bị đắm và hải vật. Đây cũng có thể là một chứng cứ lịch sử được nghi chép lại không những ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản về chủ quyền của Việt nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Ở thời kỳ này, tuy Nhật thực hiện chính sách cấm xuất ngoại, buôn bán với nước ngoài, nhưng Chúa Nguyễn vẫn gửi một bức thư cho Mạc Phủ EDO yêu cầu mở lại quan hệ buôn bán và mong nhập nhiều tiền đồng.

Theo giáo sư Nhật Bản Kawamoto thì bức thư này có nội dung như sau: “Tôi thầm nghĩ, nước tôi bây giờ cần rất nhiều kinh phí cho lưu thông tiền tệ, nhưng kỹ thuật chế tạo tiền không có, nên đành phải phải gác vấn đề tài chính lại. Tôi nghe rằng, ở quí quốc sản xuất đồng tốt và chế tạo tiền tuỳ theo nhu cầu. Nếu thật như thế, tại sao không chế thật nhiều tiền đồng để cứu những người nghèo về tiền tệ. Điều mong muốn đối với quí quốc là quí quốc làm luật lưu thông tiền tệ ở nước ngoài và giao dịch với nước tôi để hai quốc gia chúng ta cùng được lợi. Nếu được như thế, lưỡng tiện sẽ thông qua tình hữu nghị, xâyđắp tín nghĩa, hai quốc gia trở thành một mái gia đình.Đây là một điều thật tuyệt vời”.

Lúc bấy giờ tiền đồng là phương tiện chủ yếu để thông thương. Nhà nghiên cứu Iwao Sheiichi cho rằng, mỗi thuyền của Nhật khi đến Hội An tối thiểu là mang khoảng 400.000 tiền đồng, lúc nhiều nhất lên tới 1.620.000 tiền. Họ mua bán rất nhiều đồ tơ lụa và đồ sứ.

Gần đây, các nhà khảo cổ học của Nhật Bản đã phát hiện ra rằng gốm sứ của Việt Nam xuất hiện nhiều ở Nagasaki, Sakai, Kyoto, Tokyo… cũng như gốm sứ của Nhật Bản (đặc biệt là gốm Hizen) có rất nhiều ở Tràng Tiền (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Mộ Mường (Hoà Bình), Lam Sơn (Thanh Hoá), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam)...

Những điều này chứng tỏ rằng quan hệ kinh tế, văn hoá giữa Nhật Bản và Đàng Trong, Đàng Ngoài đã rất phát triển. Ngoài Nhật Bản, có Trung Quốc, Hà Lan… có quan hệ buôn bán với Việt Nam, nhưng Chúa Nguyễn có phần nào ưu ái hơn đối với các nhà thương gia người Nhật. Và Hội An cũng là cảng chính của Nhật Bản khi họ thông thương với các quốc gia ở Đông Nam Á.

Người Nhật còn tham gia vào cả chính trị, nghĩa là tham gia vào công việc quản lý cảng Hội An. Chúa Nguyễn đã bổ nhiệm một số người Nhật làm Tổng bang trưởng của Hội An như Ông Dimigo (từ 1633-1636), Hayashi Kiemon (từ 1637) Kodoya Shichi Irobei (1668).

Phố Hiến xưa là nơi buôn bán sầm uất.

Thời kỳ này ở Đàng Ngoài, người Nhật mang nhiều vũ khí, xa xỉ phẩm, diêm tiêu, giấy, tiền đồng Nhật Bản… trao đổi ở Phố Hiến, Thăng Long-Kẻ chợ, và họ mua về những quế, trầm hương, gốm Thổ Hà, Bát Tràng...

Sang thế kỷ XVII nhiều cuộc chiến tranh nông dân xảy ra. Thời kỳ này trong lịch sử Việt Nam gọi là Thế kỷ khởi nghĩa nông dân. Một mặt thế lực của người Nhật bắt đầu nhường chỗ cho người Trung Quốc. Hội An vốn là thương cảng của người Nhật Bản, nhưng đã trở thành Minh Hương Hội An Phố của người Hoa Kiều.

Cũng thời kỳ này người Nhật cho xây dựng một ngôi chùa Tùng Bổn ở Cẩm Châu. Ngôi chùa kiến trúc rất độc đáo, đặt trên một cây cầu bắc ngang qua một con lạch chảy ra sông Thu Bồn, nên còn có tên gọi là Chùa Cầu. Chùa thờ Bắc Đế.

Năm 1719 Chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An và đặt tên là Lai Viễn Kiều. Ngoài ra còn có một số ngôi mộ của người Nhật mang phong cách của Nhật. Tất cá những dấu ấn đó vẫn còn cho đến  ngày nay.

Có thể nói trong vòng hơn 50 năm quan hệ với người Việt ở Hội An, người Nhật đã để lại những dấu ấn văn hoá riêng thông qua phố người Nhật, di tích Nhật Bản. Đây là những chứng cớ quí giá cho chúng ta khi nghiên cứu về lịch sử quan hệ văn hoá Việt- Nhật.

Đón đọc bài 2: Phan Bội Châu và Phong trào Đông Du