Sáng 25/7, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

c14a4204_ljur.jpg
Toàn cảnh Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Thanh Hóa.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng 170 đại biểu là Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công của tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, với tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi, tri ân đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng của tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng cho rằng, với ý chí tự lực, tự cường và tinh thần “bộ đội Cụ Hồ”, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đang là những công dân mẫu mực, chỗ dựa vững chắc của gia đình, đóng góp tích cực cho hoạt cộng đồng ở địa phương.

Để xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, Phó Thủ tướng cho rằng không có sự tri ân nào có ý nghĩa hơn việc các thế hệ hôm nay và mai sau ra sức bảo vệ và phát triển những thành quả mà các thế hệ đi trước đã giành được.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó nâng cao đời sống, đem lại ấm no, phồn vinh và hạnh phúc cho mỗi người dân, mỗi gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó có các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chú trọng và tăng cường công tác giáo dục trong thế hệ trẻ, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị.

Sự hi sinh, cống hiến to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mãi mãi khắc ghi trong trái tim chúng ta, là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dâng hương tại Đền thờ các Mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng trong sáng 25/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đến thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa (trước đây là Trạm đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc). Trung tâm đang nuôi dưỡng 207 người có công và thân nhân người có công có thương tật, bệnh tật và hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện về an dưỡng tại gia đình và địa phương.

Phó Thủ tướng cũng đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Du, sinh năm 1920, mẹ của hai liệt sĩ tại phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa; Mẹ Đào Thị Lan, có hai con liệt sĩ, trú tại phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa; và ông Hoàng Xuân Bảo, thương binh 1/4, trú tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa có 329.824 người có công, trong đó có: 4.424 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 56.000 liệt sĩ, 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, 2.000 cán bộ lão thành cách mạng, gần 600 cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 300 ân nhân cách mạng, gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, có trên 203 ngàn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Phó Thủ tướng thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Đào Thị Lan.

Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát huy truyền thống tốt đẹp, đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng. Nhiều địa danh đã gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa như Yên Trường, Lò cao kháng chiến Hải Vân – hang Đồng Mười, Lạch Trường, Hàm Rồng-Nam Ngạn...  Nhiều người con của Thanh Hóa cũng đã ghi danh vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sỹ Nguyễn Văn Sáu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương…

Cũng trong hai cuộc kháng chiến đó, hơn 56.000 người con ưu tú của Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh; hơn 46 ngàn người còn mang trên mình thương tật suốt đời; 15.000 người bị bệnh tật, mất sức lao động; trên 100 Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động; hơn 1.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 12.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện rất xúc động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã vươn lên thành công trên nhiều lĩnh vực; nuôi dạy con em tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn dân cư nơi cư trú. Nhiều doanh nghiệp thương binh tiêu biểu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là con em của đồng đội, của các gia đình chính sách, không chỉ bảo đảm đời sống người lao động mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Thành công của các đồng chí là nguồn động viên, khích lệ đồng đội, góp phần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và toàn xã hội./.