Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ bầu 14 đại biểu Quốc hội; 85 đại biểu HĐND tỉnh (giảm 10 đại biểu), 920 đại biểu HĐND cấp huyện (giảm 79 đại biểu), 13.272 đại biểu HĐND cấp xã (giảm 3.167 đại biểu).

Theo ấn định của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp, toàn tỉnh có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 27 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 259 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.911 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã.

Đến 17 giờ ngày 14/3/2021, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh đã tiếp nhận 30 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 (có 2 trường hợp tự ứng cử); 231 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (có 1 trường hợp tự ứng cử); Ủy ban bầu cử các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận 2.353 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; Ủy ban bầu cử các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận 32.370 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (có 9 hồ sơ tự ứng cử).

Đến nay, tình hình triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 trên địa bàn Thanh Hóa diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, đảm bảo các quy định của pháp luật về bầu cử, đảm bảo tiến độ đề ra. Công tác an ninh - trật tự, an toàn xã hội và y tế được đảm bảo.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bài bản, khoa học đúng trình tự, bảo đảm chất lượng và đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý Thanh Hóa là tỉnh đông dân, có số lượng lớn đơn vị bầu cử các cấp, vì thế công tác nhân sự, hiệp thương cần phải làm chặt chẽ, đúng quy định. Bảo đảm các bước hiệp thương, lập danh sách đề cử, ứng cử, giới thiệu đúng cơ cấu, thành phần; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử, các quy định của pháp luật về bầu cử, quyền bầu cử, ứng cử của công dân./.