Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ ba của Quốc hội; tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 của đất nước; tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Đặc biệt, kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 392.600 tỷ đồng, gồm: Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1)…

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, sau khi nghe báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các cử tri rất vui mừng, phấn khởi bởi Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những quyết sách để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều đáng mừng nữa là Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ tâm tư về tình trạng sa sút đạo đức của một bộ phận cán bộ dẫn đến sai phạm, tham nhũng. Bên cạnh đó, cử tri cũng đã kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành những nội dung như: Đối với lĩnh vực giáo dục, cần giảm tải chương trình học cho học sinh và chi phí đầu năm học; tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường; có giải pháp xây dựng các mô hình sân chơi bổ ích cho học sinh trong dịp hè. Đồng thời, mong muốn các đơn vị liên quan khẩn trương thi công tuyến đường tránh Long Xuyên; khi thi công các công trình giao thông phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình…

Ngoài ra cử tri cũng kiến nghị rằng: Chấn chỉnh thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế đối với người bệnh và thân nhân người bệnh; còn tình trạng người dân chưa được hưởng những chế độ ưu đãi về khám chữa bệnh kịp thời dù đã tham gia bảo hiểm y tế; điều chỉnh mức lương cho cán bộ ở cơ sở để đảm bảo đời sống. Cần có biện pháp kiểm soát giá vật tư đầu vào và giá cả đầu ra của sản phẩm nông nghiệp để nông dân có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp; kiểm soát giá đất đai để người dân thu nhập thấp có thể tiếp cận.

Cử tri, Võ Văn Quang, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang kiến nghị: “Thời gian vừa qua, giá cả xăng dầu liên tục tăng vọt, mà đây là mặt hàng bình ổn, nhà nước kiểm soát; các mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào cũng tăng, nhưng sản phẩm nông nghiệp của người dân sản xuất ra lại không tương xứng với vật tư đầu vào…Mong rằng, Quốc hội, Chính phủ xem xét về giá cả vật tư đầu vào, giá sản phẩm nông nghiệp đầu ra. Thời gian vừa qua, các nhà đầu tư, kinh doanh ồ ạt mua đất, nhưng mua không phải để sản xuất, mà mua để đầu tư, nên đã đẩy giá đất lên quá cao. Mong rằng Quốc hội, chính phủ có những thể chế để kiểm soát”. 

Phát biểu tại các buổi buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương và chúc mừng những kết quả về việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là sự đồng lòng của người dân cùng chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, những vấn đề bà con cử tri đặt ra như: Giá cả vật tư nông nghiệp, giá đất đai, mức lương cơ sở, những vấn đề ở lĩnh vực giáo dục… Quốc hội cũng đã thảo luận và đưa ra những nghị quyết rất rõ đối với các lĩnh vực cụ thể và sẽ tiếp tục thực hiện giám sát trong thời gian tới. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục ghi nhận những kiến nghị của cử tri và trên từng góc độ công việc sẽ có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp.

Phó chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện nay, cùng với sự tác động do dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, cũng mong muốn, người dân luôn đồng lòng cùng Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, đề nghị, tỉnh An Giang và các địa phương trong tỉnh, cần phải tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII). Đi đôi với đó cần tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; tiếp tục suy nghĩ tận dụng thế mạnh sẵn có để phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục quan tâm công tác đảm bảo chất lượng y tế phục vụ nhân dân, thực hiện tốt các chế độ cho người có công. Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước để hạn chế thấp nhất tình trạng cán bộ vi phạm…

“Về việc giá cả các mặt hàng đầu vào của sản xuất nông nghiệp cũng là một vấn đề nan giải, hiện nay chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt đối với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp phối hợp với nhau để làm giảm giá thành đầu vào sản xuất nông nghiệp. Giá cả là một phần, nhưng cái quan trọng hơn là kỹ thuật, phương pháp canh tác của nông dân để hạ giá thành. Vấn đề giao thông, Trung ương đã quyết định những dự án rất lớn, trong đó có cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc; chúng ta đã có những động thái ban đầu rồi, tiếp theo là công việc rất nhiều, do đó, mong rằng các cấp chính quyền địa phương làm sao xúc tiến vấn đề này nhanh nhất, kịp thời nhất; cũng mong rằng bà con nhân dân ủng hộ để chúng ta sớm có cao tốc”, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh./.