Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Sau hơn 03 tháng triển khai, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 32 tỉnh, thành phố, tổ chức xã hội và trường Đại học tham gia chương trình.

Bạn Lê Văn Đông, đại biểu về dự chương trình bày tỏ: “Hôm nay, qua cuộc gặp gỡ với những người có hoàn cảnh như tôi. Tôi thấy nhiều người vẫn đang rất khó khăn về kinh tế. Họ là những khuyết tật nên rất khó để tiếp cận được với những công việc. Nhân buổi gặp mặt ngày hôm nay, tôi rất mong các cấp, các ngành và các cấp lãnh đạo xem xét có những chính sách, cơ chế phù hợp để giúp cho những người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận với công việc làm phù hợp, tạo một sân chơi, giúp họ có nhiều cơ hội thể hiện năng lực bản thân nhiều hơn, qua đó có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội”.

Nói chuyện thân mật với các đại biểu, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ với những hành trình phấn đấu phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng gặt hái được rất nhiều trái ngọt, hạnh phúc khi đạt đến thành công của các bạn thanh niên khuyết tật tiêu biểu.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, các đại biểu về dự chương trình lần này chính là những đại diện tiêu biểu cho thanh niên khuyết tật trên các vùng, miền của Tổ quốc, đã luôn nỗ lực vươn lên khẳng định mình bằng ý chí, nghị lực phi thường và lòng tự trọng của những người dũng cảm. Không chỉ đóng góp cho cộng đồng mà còn là nguồn cảm hứng về ý thức sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng cho các bạn trẻ và cả xã hội.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Hằng năm, Nhà nước đều dành ngân sách, cùng với nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách về người khuyết tật, trợ giúp về y tế; giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở thiếu thốn, mặc dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm, bản thân người khuyết tật cũng rất nỗ lực cố gắng, song chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.

Phó Chủ tịch nước đề nghị: “Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương có những ghi nhận đầy đủ đối với các kiến nghị hôm nay. Riêng đối với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán để đề xuất làm sao cho chính sách đối với người khuyết tật ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn. Muốn có chính sách tốt thì chúng ta phải tính toán từ luật. Luật về người khuyết tật đã ban hành 12 năm rồi, chúng ta cố gắng sắp tới có sự rà soát lại xem trong bối cảnh hiện nay là phù hợp hay không, cần phải điều chỉnh, cần phải bổ sung, chỉnh sửa gì để vừa phù hợp với mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người khuyết tật; thực trạng về cuộc sống của người khuyết tật trong nước cũng như thực hiện tốt cam kết của chúng ta đối với Công ước quốc tế về người khuyết tật”. 

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đẩy mạnh việc tuyên truyền, biểu dương những tấm gương người khuyết tật, thanh niên khuyết tật trong mọi lĩnh vực, khuyến khích tinh thần hăng hái thi đua trong thanh niên, làm nhiều việc tốt; xây dựng hoài bão, ước mơ đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững./.