Thực trạng nhiều bạn trẻ ngại vào Đảng đã làm cho công tác phát triển đảng viên từ nông thôn đến thành thị, miền núi ngày càng khó khăn. Lực lượng trẻ bổ sung cho Đảng giảm hơn so với trước. Tình trạng già hóa hiện rõ trong đội ngũ đảng viên.

Tìm hiểu công tác phát triển Đảng ở nhiều địa phương miền Trung cho thấy, các chi bộ từ nông thôn đến thành thị, miền núi, hải đảo... đều lúng túng trong việc tạo nguồn bổ sung cho Đảng. Ông Đinh Văn Quyền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lo lắng việc kết nạp đảng viên vùng nông thôn đang gặp khó khăn.

vov_xay_dung_dang_1_fnux.jpg
Một buổi lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ bản A Sau, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Ở nhiều làng quê, hầu hết thanh niên đi học xa hoặc vào các tỉnh phía Nam làm ăn, lên thành phố tìm kiếm việc làm. Một số ít thanh niên sống ở quê lại không đủ điều kiện kết nạp Đảng. Ông Đinh Văn Quyền bảo rằng, có “đốt đuốc giữa ban ngày” cũng khó tìm được những bạn trẻ ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên.

"Thực tế công tác phát triển đảng viên ở địa phương có nhiều khó khăn nhưng nguyên nhân chính là số thanh niên ở địa phương đi làm ăn hết. Ở đây không còn mấy người. Những năm qua, nguồn phát triển Đảng chỉ là một vài anh đi bộ đội về ở lại địa phương thì còn có thể phát triển được, còn lại hầu hết là khó khăn", ông Quyền chia sẻ.

Thực tế, một số chi bộ thôn mấy năm liền không phát triển được đảng viên nào. Ông Nguyễn Hữu Mai vào Đảng lúc 18 tuổi, làm Bí thư Đảng uỷ xã trong những năm chiến tranh và sau ngày giải phóng tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam rồi làm Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Nghỉ hưu, ông trở về quê nhà, sinh hoạt tại Chi bộ 7, thôn 8, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Từng kinh qua nhiều vị trí trong Đảng, ông Nguyễn Hữu Mai luôn trăn trở về chất lượng đảng viên nông thôn: "Chi bộ tôi bây giờ có 22 đảng viên thì 10 đồng chí đi làm ăn xa. Còn lại 12 đồng chí ở nhà thì 8 đồng chí là già hưu thì miễn sinh hoạt. Công tác Đảng bây giờ ở chi bộ nông thôn khó lắm, khó mà phát triển được đảng viên trẻ có đủ trình độ như mình mong muốn". 

Không chỉ ở nông thôn mà ngay các khu dân cư đô thị cũng đang hẫng hụt nguồn phát triển đảng viên. Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Thanh Khê thì từ năm 2008 đến 2013, hơn 220 chi bộ khu dân cư trên địa bàn quận phát triển được 199 đảng viên; bình quân mỗi chi bộ trong 5 năm kết nạp chưa tới 1 đảng viên. Từ thực trạng đó, Quận ủy xây dựng đề án phát triển đảng viên khu dân cư và phân bổ chỉ tiêu cho từng cơ sở đảng. Và sau 5 năm thực hiện đề án này, Đảng bộ quận Thanh Khê cũng chỉ kết nạp được 188 đảng viên ở khu dân cư, giảm 11 trường hợp so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Trong khi đó, cả ngàn sinh viên con em địa phương đang theo học các trường đại học trên địa bàn thành phố chính là nguồn dồi dào nhưng không thể kết nạp do vướng quy định. Theo văn bản Hướng dẫn ngày 20/9/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng thì sinh viên các trường đại học, cao đẳng đang học tập trung và người có hợp đồng lao động 12 tháng trở lên phải được xem xét, kết nạp tại chi bộ cơ sở đào tạo hoặc nơi làm việc. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đề nghị sớm tháo gỡ những vướng mắc này.

"Hiện nay, đối với Quy định hướng dẫn số 01 tại điểm 6.4 mục C đang bị vướng. Đó là đối với hợp đồng có thời gian thực tế làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dưới 12 tháng thì tổ chức đảng nơi cư trú xem xét kết nạp. Nhưng nếu hợp đồng liên tục từ 12 tháng trở lên thì tổ chức đảng của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc xem xét kết nạp. Đó là cái khó khăn nhất hiện nay. Vì đối với những thanh niên đi làm việc tại các doanh nghiệp thì những người hợp đồng từ 12 tháng trở lên không biết kết nạp ở đâu?", bà Liên băn khoăn. 

Tình trạng thiếu nguồn kết nạp đảng viên ở khối doanh nghiệp cũng tương tự. Thời gian gần đây, lực lượng lao động dịch chuyển từ nông thôn về thành thị, đến các Khu công nghiệp, Khu kinh tế ngày càng nhiều. Số đảng viên và quần chúng ưu tú vào làm việc tại các doanh nghiệp tăng nhanh.

Ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hơn 500 đảng viên đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó, việc phát triển đảng viên không được các doanh nghiệp quan tâm.Ông Bùi Văn Hoàng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Núi Thành băn khoăn khi tỉnh Quảng Nam có 4.700 doanh nghiệp với hơn 400 ngàn lao động nhưng cả năm 2017 chỉ có 8 công nhân được kết nạp vào Đảng.

"Đối với các doanh nghiệp thì phải nói rằng, tổ chức đảng ít quan tâm đến phát triển đảng là công nhân dưới bộ phận sản xuất. Hiện nay những doanh nghiệp vừa như các công ty may thì số lượng công nhân cũng lớn nhưng không hình thành được tổ chức đảng. Đây là khó khăn cho việc phát triển đảng là công nhân", ông Hoàng cho biết.

Thực tế cho thấy, việc phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế. Các chủ doanh nghiệp không quan tâm tới sinh hoạt của các đảng viên, thậm chí có doanh nghiệp không muốn thành lập chi bộ. Mặt khác, người lao động cũng chưa thấy được quyền lợi thiết thân khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Rõ ràng, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên đang gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ này ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào có đạo, vùng cồn bãi, biên giới, hải đảo... càng khó hơn. Nhiều chi bộ ở đây 2-3 năm liền chưa kết nạp được đảng viên nào. Có những quần chúng đủ điều kiện thì lại vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đối với những trường hợp này, hồ sơ kết nạp phải qua ít nhất 7 cơ quan có ý kiến và sau một thời gian thử thách, cấp thẩm quyền mới xem xét, quyết định.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nêu thực tế: Ở khu vực biên giới Việt - Lào, đồng bào hai bên qua lại rồi kết vợ, lấy chồng rất đông. Nhiều bạn Lào sống ổn định tại Việt Nam, tích cực tham gia phong trào địa phương nhưng chưa thể kếp nạp vào Đảng. Bà Thoi cho biết: "Việc kết nạp Đảng đối với người có nguồn gốc là người nước ngoài rất khó khăn. Vừa rồi, chi bộ chúng tôi có đề xuất để phát triển đảng viên đối với quần chúng có nguồn gốc nước ngoài mà chưa biết nội dung để thẩm tra, xác minh nên chúng tôi tạm dừng để xin ý kiến cấp trên chỉ đạo". 

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức TƯ.

Trước đây, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự của mỗi người và cả gia đình, dòng họ. Bây giờ, không ít người lại ngại vào Đảng. Phải chăng hình ảnh xấu của những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất đã làm cho niềm tin của Nhân dân đối với Đảng suy giảm, người dân dần xa Đảng. Nhiều năm theo dõi công tác xây dựng Đảng, ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng – Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đã đến lúc phải nhấn mạnh đến vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.

"Trước, quần chúng mong vào Đảng, phấn đấu vào Đảng thì bây giờ người ta nhìn vào gương đảng viên có thực sự gương mẫu không?. Có thực sự để cho người ta học tập, noi theo và phấn đấu không?. Chứ bây giờ không ít những đảng viên không hơn gì quần chúng lắm. Vậy thì tấm gương để người ta phấn đấu, học tập noi theo là thế nào?", ông Hà trăn trở.

Một thời gian dài, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên xảy ra nghiêm trọng. Những biểu hiện đó đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng hẫng hụt nguồn phát triển đảng viên như hiện nay.

Hơn lúc nào hết, công tác phát triển đảng phải gắn với đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đảng phải tự đổi mới, tạo sức hút mới, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương./.