Tọa đàm “Phát huy vài trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” diễn ra sáng 10/8, tại Gia Lai. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang; 40 đại diện tiêu biểu, đại diện cho gần 5.000 người tiêu biểu có uy tín trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tọa đàm “Phát huy vài trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” |
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận các tỉnh đã xây dựng được đội ngũ gần 30.000 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực: lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo; bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hoá dân tộc; trong bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ cột mốc biên giới, hòa giải cộng đồng...
Tuy nhiên, công tác phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Lâm Thế Tổng, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc thiểu số thường là những người cao tuổi, nhiều người có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh đời sống gia đình còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do ảnh hưởng một số phong tục tập quán cũ, lạc hậu nên có những ảnh hưởng, hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy vai trò của gần 30.000 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước nói chung và gần 5.000 người có uy tín trên địa bàn 5 tỉnh ở Tây Nguyên nói riêng, cần có sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong tổ chức thực hiện.
Tiếp tục phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên |
Nhắc lại Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây 70 năm, được tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 19/4/1946; Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội với nội dung: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Chúng ta phải thương yêu nhau, phái kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng công tác đại đoàn kết trong nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và cho biết Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời gian tới nhằm góp phần làm rõ cơ sở thực tiễn và hoàn thiện chính sách trong công tác của Mặt trận, của Đảng, Nhà nước đối với vùng đông đồng bào dân tộc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với chiều dài lịch sử, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt đồng bào các dân tộc tại 5 tỉnh Tây Nguyên luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên đồng thời phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất thiêng liêng của đất nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thống nhất nhận thức và hành động của đồng bào trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử.
“Tuy nhiên, từ thực tiễn, chúng ta cần tiếp tục làm rõ khả năng và phương thức đóng góp của các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, làm sao để phát huy khả năng đóng góp của bà con trong điều kiện hiện nay?” Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các đại biểu dự Tọa đàm |
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn trong thời gian tới, mỗi địa phương duy trì cả kênh tài liệu bằng tiếng Kinh và tờ rơi, những cuốn sách nhỏ về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước bằng tiếng dân tộc. Đồng thời gợi ý, 5 địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên cùng thống nhất soạn thảo ra những cuốn sách theo ngôn ngữ của từng dân tộc để tuyên truyền cho hoạt động trong vùng, giúp cho những người có uy tín, già làng có thể thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền tới mỗi người dân./.