Sáng 19/12, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm phát sóng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946-19/12/2016). VOV.VN giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ tại sự kiện quan trọng này:

70nam2_ihkl.jpg
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ phát biểu ôn lại kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và cũng là 70 năm ngày Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên làn sóng VOV.

"Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

Kính thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu khách quý.

Hôm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và cũng là 70 năm ngày mà Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trên sóng của Đài.

Nhớ lại năm 1946, chúng ta nhớ về một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945, đất nước ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, nạn đói, nạn dốt, thù trong, giặc ngoài. Vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Kẻ thù dã tâm thôn tính nước ta, đẩy chúng ta trở lại cuộc sống nô lệ.

Trong bối cảnh như vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phương châm chiến lược vừa kiên quyết đấu tranh để giữ vững nền độc lập, thống nhất quốc gia, vừa thực hiện sách lược nhân nhượng hòa hoãn với kẻ thù để không xảy ra chiến tranh, ít nhất cũng là chưa xảy ra chiến tranh để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nhiều nỗ lực hòa hoãn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện, thể hiện thiện chí của Chính phủ Việt Nam với phía Pháp nhưng đúng như nhiều nhà sử học Pháp và phương Tây đã mô tả cơ hội hòa bình mà phía Việt Nam đưa ra đã bị bỏ lỡ.

Trước tình hình đó, ngày 18/12/1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), Thường vụ Trung ương Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp mở rộng. Hội nghị nhận định khả năng hoà hoãn không còn và quyết định chuyển từ thế bị động sang thế chủ động phát động cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp trên phạm vi toàn quốc.

20h ngày 19/12/1946, từ hiệu lệnh phát đi từ trạm phát thanh Bạch Mai, toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi đó đã được phát vào đầu buổi sáng ngày 20/12/1946 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thiện chí hoà bình của Việt Nam, nhưng bị phía Pháp khước từ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Người khẳng định rõ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Người kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Kết thúc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Người khẳng định “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một áng hùng văn kiệt xuất, là một văn kiện có tính chất cương lĩnh chính trị, quân sự có giá trị thời đại sâu sắc, là lời hịch hiệu triệu toàn quân, toàn dân ta nhất tề đứng lên. Những năm tháng hào hùng, máu lửa ấy, hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội và cả nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được các cơ quan báo chí, văn nghệ, thông tin phản ánh một cách sinh động, sắc bén, kịp thời.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,

Thưa các vị khách quý, các vị đại biểu,

Đài Tiếng nói Việt Nam có một vinh dự to lớn là cơ quan báo chí đầu tiên phát đi Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào sáng ngày 20/12/1946, từ hang Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cùng với việc phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/9/1945, sự kiện này ghi thêm một mốc son vô cùng quan trọng trong lịch sử vẻ vang của đất nước, của giới báo chí cách mạng và của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người chỉ đạo sáng lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phát biểu, nói chuyện với nhân dân, chiến sĩ về chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ qua sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Người coi Đài phát thanh là một công cụ hết sức hữu hiệu phục vụ cho hoạt động của Đảng, Chính phủ. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy, Người sử dụng làn sóng phát thanh để phát lệnh chiến đấu, để kêu gọi và động viên mọi tầng lớp nhân dân ai cũng phải ra sức kháng chiến chống thực dân Pháp, cứu nước, cứu nhà.

Nghe theo lời Người, cán bộ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hành quân, vận chuyển trang thiết bị lên chiến khu Việt Bắc. Trong  9 năm kháng chiến, đồng hành cùng dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã di chuyển tới 14 lần, qua nhiều địa điểm khác nhau để tránh sự đánh phá của giặc, một số cán bộ, nhân viên của Đài đã anh dũng hy sinh nhưng Tiếng nói Việt Nam vẫn phát thanh hùng tráng, liên tục, hoàn thành sứ mạng lịch sử, góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Kỷ niệm 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đáp ứng những thay đổi to lớn, mạnh mẽ của đời sống báo chí, truyền thông hiện đại và những yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Đài phải nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, chất lượng truyền dẫn phát sóng, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị; phải thực sự trở thành một trong các cơ quan báo chí quan trọng hàng đầu của đất nước, với 4 loại hình báo chí là phát thanh, truyền hình, báo điện tử và báo in, phát triển trên đa nền tảng công nghệ tiên tiến.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,

Kính thưa nhà báo Phan Quang

Kính thưa các vị khách quý, các vị đại biểu,

Trong cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này, Ban Tổ chức trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và quý vị cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Những trang viết sống động, chân thực được chắt lọc từ những ghi chép của nhà báo Phan Quang chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về những năm tháng kháng chiến, kiến quốc hào hùng, đau thương nhưng cũng thật đẹp, nhiều ý nghĩa. Đó cũng là cách chúng ta trân trọng quá khứ vẻ vang, học tập các nhà báo, nhà văn thế hệ đi trước cho thực hiện nhiệm vụ vẻ vang hôm nay.

Xin kính chúc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các nhà văn, nhà báo Phan Quang, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./."