Sáng ngày 13/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị bầu Bí thư Thành ủy thay thế ông Nguyễn Sự. 
ong_nguyen_su_copy_olad.jpg
Ông Nguyễn Sự chia sẻ với phóng viên VOV

Ngay sau khi bàn giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Sự đã trải lòng về những điều được mất. Ông Sự nói: Tâm đắc lớn nhất suốt 21 năm tôi giữ vị trí chủ chốt ở Hội An là được làm việc trong một môi trường mà ở đó đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện được sở nguyện của mình. Môi trường đó là nhân dân Hội An, là anh em cộng sự của tôi, là sự thương yêu nhau, kể cả người lớn tuổi và nhỏ tuổi gắn bó với nhau vì công việc.

Có thể nói với nhau rất thẳng thắn nhưng khi bắt tay vào công việc thì đồng tâm nhất trí, khi vinh quang cùng hưởng nhưng lúc gặp khó khăn mà chúng tôi hay dùng từ “ lên bờ xuống ruộng” cũng kề vai sát cánh với nhau, và  không có người bỏ chạy khi gặp hoạn nạn. Đó là môi trường tốt mà tôi cảm thấy hạnh phúc. Việc thứ 2 mà tôi tâm đắc đó là, anh em đã truyền lửa cho tôi. Chính những ý tưởng của anh em đã tạo nên diện mạo Hội An ngày hôm nay.  

Điểm thứ 3 mà tôi tâm đắc  là người dân Hội An ý thức được những điều gì cần làm và điều gì không làm. Điều đó buộc mỗi cán bộ, trong đó có cả tôi cũng phải tự điều chỉnh mình liên tục, để bản thân mình có thể hoàn thiện hơn.

Với những tư duy lỗi thời mình áp đặt thì người dân Hội An không chịu đâu, nhưng những vấn đề gai góc mình đặt ra, thuyết phục tốt thì họ sẵn sàng ủng hộ và tự nguyện làm. Chính điều đó đã làm cho anh em chúng tôi dần dần ngộ ra nhiều thứ, dạy cho mình nhiều thứ. 

** Thành phố Hội An từng được nhắc đến là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá. Vậy bằng cách nào để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân?

Cái gì mang lại lợi ích cho dân không sớm thì muộn cũng được dân đồng tình. Phố không động cơ và phố đi bộ ở Hội An ban đầu triển khai rất khó, vì nó đụng đến lợi ích của người dân. Nhưng phải nói cho dân hiểu vì sao làm phố đi bộ? Phố đi bộ có mấy cái lợi. Cái lợi thứ nhất là bản thân nó tạo ra một không gian tĩnh cho phố cổ, và nó làm cho đô thị cổ ít xuống cấp. Thứ 2 là nó làm cho du khách đi qua cảm thấy thích thú và người ta đến này càng đông.

Và khi người ta đi bộ như vậy họ dễ dàng ghé mua nhiều thứ.  Ban đầu đưa ra ý tưởng như vậy người dân chưa tin sẽ thành công. Chúng tôi mới làm thử một tuần, họ thấy hiệu quả thì làm thêm 2 tuần và triển khai luôn. Kể cả vấn đề không dùng túi ni lông ở Cù lao Chàm cũng vậy thôi, ban đầu cũng gặp khó, nhưng dần về sau người ta thấy không xài túi ni lông thì biển sạch hơn, môi trường tốt hơn. Trước đây Bãi Làng không ai dám đến tắm cả, nhưng bây giờ rất đông người đến tắm. Khách du lịch đến với Cù Lao Chàm ngày càng đông, tăng thu nhập cho địa phương. Đến bây giờ, việc triển khai phố đi bộ và không dùng túi ni lông đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

** Nhưng cũng có những quyết định vấp phải những phản ứng gay gắt của người dân?

Đó là  lúc triển khai cách bán vé vào khu phố cổ. Cách làm sai thì điều chỉnh ngay và bây giờ đã nhẹ nhàng. Còn quyết định sai của tôi bị dân phản ứng cũng nhiều lắm. Nói kiểu Quảng Nam là quyết định của tôi “trật lất”. Mà trật thì mình phải sửa, phải xin lỗi nhân dân. Nhưng tốt nhất là nên cẩn trọng để đừng phải xin lỗi nhiều. Vì mỗi lần quyết định sai phải xin lỗi thì thiệt hại về thời gian, thiệt hại về lòng tin và thiệt hại về vất chất.

** Vậy đã bao nhiêu lần ông xin lỗi nhân dân?

Nếu xin lỗi nhân dân thì xin lỗi cả đời nhưng có những sự việc theo suốt cả đời tôi. Còn nhớ, hồi năm 1995,  bên kia sông Hoài có một bãi hoang phế, người ta xin làm một cái nhà hàng. Tôi nghĩ làm một cái nhà hàng để phát triển An Hội là đúng nên cho tôi cho phép làm nhà hàng. Nhưng khi xong rồi thì nhiều người có ý kiến, tôi qua dòm miết, thấy người ta  nói có lý, nhà hàng này chẳng giống ai nên tôi về bàn với anh em bảo người ta đập bỏ đi. Ngân sách thành phố lúc đó bỏ ra 175 triệu đền bù cho người ta.

Tôi đau lắm mặc dù đây không phải là tiền của tôi nhưng là tiền của nhân dân, của ngân sách. Chính cái sai lầm đó là bài học đầu đời khi tôi làm Chủ tịch thành phố. Bài học đắt giá này dạy tôi khôn ra. Việc sai lầm thứ hai của tôi là trồng cây hoa sữa. Khi  nghe những bài hát về hoa sữa, tôi thấy lãng mạn quá, đẹp quá. Thế là tôi bàn với anh em đem cây hoa sữa về trồng đầy thành phố. Khi nó lên cao, cả thành phố tràn ngập mùi hoa sữa, dân họ bắt đầu chửi tôi. Và tôi cũng tự chửi mình. Rứa là tôi phải đứng ra xin lỗi nhân dân nhận lỗi về mình và sửa sai bằng cách chặt bỏ hoa sữa, trồng cây khác.

Lần xin lỗi thứ 3 khi tổ chức bán vé vào khu phố cổ. Lần này cái sai thuộc về phương pháp chứ không phải về chủ trương. Xin lỗi với tư cách là người đứng đầu thành phố.  Làm người đứng đầu một địa phương, một ngành nào đó thì phải chịu toàn bộ trách nhiệm của  người đứng đầu. Làm thì có đúng có sai nhưng khi sai thì phải biết xin lỗi, biết sửa sai. 

Ân nghĩa của Hội An đối với tôi lớn lắm, tôi còn nợ nhân dân nhiều lắm. Tất nhiên mong muốn là vô hạn, sức lực của mình, trí tuệ của mình, năng lực của mình thì hữu hạn thôi. Không ai đem cái hữu hạn để ứng xử cho cái vô hạn cả. Nhưng tôi nghĩ nếu mình chú tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trách nhiệm hơn nữa thì có lẽ những việc tồn tại đã được giải quyết. Nhưng chính vì thiếu chú tâm, thiếu quyết liệt và đôi lúc thiếu trách nhiệm nên bây giờ mình vẫn còn nhiều việc dang dở. Và tôi coi đó là một món nợ mà tôi tin rằng anh em sau tôi trả một cách sòng phẳng và  tốt hơn.

** Trở về đời thường với tư cách là một công dân Hội An thì ông sẽ làm gì cho Hội An?

Từ bây giờ tôi không còn làm Bí thư Thành ủy Hội An nữa nhưng tôi vẫn còn trách nhiệm đối với Đại hội Đảng bộ thành phố, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đến cuối năm. Hội An là nơi sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi và tạo điều kiện cho tôi làm việc, giúp cho tôi khôn lớn. Bây giờ tôi trở về là công dân Hội An thì tôi sẽ làm hết sức mình những gì có thể cho Hội An. Làm gì cho Hội An tôi cũng làm.

Ví dụ, có người đặt vấn đề tôi tham gia làm Chủ tịch Hội Bảo trợ Di sản Hội An, tôi khẳng định làm gì cho Hội An tôi cũng làm nhưng nếu đứng mũi chịu sào thì tôi không đủ tầm, không thò tay vào việc quản trị. Còn làm việc với tư cách thành viên, bảo tôi bưng bê kê dọn gì, quét một cái lá cho Hội An tôi cũng tình nguyện. 

** Còn điều gì ông chưa làm được cho Hội An?

Điều mình  áy náy nhất là chưa làm được cho xã Cẩm Kim một cây cầu. Đến nay thì tỉnh đã phê duyệt dự án nhưng chưa triển khai. Suốt bao nhiêu đời nay và sau 40 năm giải phóng người dân Cẩm Kim vẫn đi đò, người dân Cẩm Kim vẫn còn cơ cực quá. Lý ra mình quan tâm hơn một chút, có thể cầu tre, cầu gỗ thì dân Cẩm Kim đã đỡ khổ hơn.

Đến bây giờ vẫn còn một bộ phận nhân dân còn nghèo lắm, tôi không nói nghèo theo tiêu chí 5 trăm, 7 trăm mà nghèo về đời sống văn hóa tinh thần. Tôi mong muốn anh em kế nhiệm sẽ làm tốt hơn. Đến bây giờ, tôi có thể ngẩng mặt nói rằng, những điều tôi đã làm có thể sai nhưng sai là do năng lực mình kém, mình thiếu hiểu biết, chứ không phải làm bậy mà dẫn đến sai.

** Trân trọng cảm ơn ông!/.