Sáng nay (16/5), Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình về triển khai kế hoạch, chương trình kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 5 tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã công bố kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Đoàn công tác kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và hướng dẫn công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Đoàn công tác cũng công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra và nghe báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nghiên cứu các báo cáo, tài liệu kèm theo. 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, Đoàn công tác sẽ thảo luận với tỉnh Quảng Bình về công tác kiểm tra, kế hoạch và các yêu cầu kiểm tra. Sau khi hoàn thành kiểm tra, dự kiến vào giữa tháng 7 năm nay, đoàn công tác sẽ có kết luận và công bố kết luận kiểm tra. Quá trình kiểm tra, các thành viên trong đoàn công tác chia thành các nhóm để làm việc với từng cơ quan, địa phương, chủ yếu là các cơ quan tố tụng của tỉnh Quảng Bình như: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Kiểm lâm…, đây là những cơ quan được người dân gửi tin báo tố giác tội phạm đến để xử lý.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, những nguồn tin báo tố giác tội phạm rất quan trọng trong việc phát hiện và mở đầu cho các cuộc điều tra tội phạm, đặc biệt tội phạm kinh tế, tham nhũng.

“Năm nay, chủ đề kiểm tra là kiểm tra việc xử lý tin báo tố giác tội phạm. Thông qua kiểm tra, chúng ta khẳng định những việc đã làm được của các địa phương, phát hiện những mặt yếu, mặt hạn chế, tồn tại. Từ đó có những đôn đốc, chỉ đạo địa phương tăng cường hoạt động này. Nếu như chúng ta xử lý tốt tin báo tội phạm sẽ có nguồn phát hiện tội phạm và người dân tin tưởng vào các cơ quan tiến hành tố tụng”- ông Nguyễn Hòa Bình nói./.