Cùng với các bước phát triển của quan hệ, phương cách quan hệ giữa hai bên dựa trên tinh thần đối thoại, hợp tác nhiều mặt, đối tác xây dựng mà đặc trưng là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi, gia tăng giao lưu để thu hẹp khác biệt...
Việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện là kết quả của một quá trình hợp tác hướng tới tương lai của cả hai bên. Bắt đầu từ những nỗ lực nối lại quan hệ sau chiến tranh, đến tháng 7/1995, bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức được thiết lập, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Ảnh: AP) |
Nội hàm của quan hệ Đối tác toàn diện có thể hiểu hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học – công nghệ, quốc phòng - an ninh… Những nội dung hợp tác giữa hai nước cũng được thể hiện rõ nét trong hội đàm và Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama.
Hai nhà Lãnh đạo trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao.
Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng và động lực của Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.
Tổng thống Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư thông qua khuôn khổ Hội đồng TIFA, cũng như Sáng kiến Tăng cường liên kết kinh tế ASEAN (E3) và APEC; ghi nhận quan tâm của Việt Nam về việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cũng đã tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai nhà Lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên Biển Đông.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển ổn định, lâu dài, thực chất không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước mà còn có tầm quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Việt Nam hoan nghênh cam kết của Tổng thống Obama tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với Châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, Cấp cao Đông Á và APEC.
Như thông điệp đã được Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng. Và chúng ta cần nỗ lực, hết sức nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi vì mục tiêu chung đó”./.