Hội nghị Trung ương 8 khóa XI vừa diễn ra tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm. Đây không phải là những nội dung mới nhưng điều đáng chú ý là các nội dung này được đặt ra trong bối cảnh tình hình mới khi mà thế giới và khu vực có nhiều biến đổi cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường về chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội...
- Về phát triển kinh tế - xã hội: Ở bất kỳ một quốc gia nào thì phát triển kinh tế luôn có vai trò vô cùng quan trọng. Hội nghị Trung ương lần này chú trọng làm rõ các vấn đề như: sự ổn định của kinh tế vĩ mô, về nguy cơ lạm phát, tình trạng nợ xấu, thị trường bất động sản, tình trạng thừa tiền thiếu vốn, về kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị |
Việc phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược; về công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Những vấn đề đó đã được Hội nghị bàn bạc sôi nổi, sâu sắc và cho ý kiến định hướng để phiên họp Quốc hội kỳ 6 tới thảo luận, quyết định.
- Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Đây là một trong những nội dung vừa chiến lược vừa cấp thiết. Thành tựu của ngành giáo dục trong nhiều thập niên qua đặc biệt là từ sau khi đổi mới đã mang lại nhiều nguồn lực có hàm lượng giá trị cao tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Tuy nhiên cũng không ít những băn khoăn, trăn trở về những tồn tại, khiếm khuyết của ngành giáo dục, đặc biệt trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước đang cần một quyết sách toàn diện, căn bản, xứng tầm với lĩnh vực được cho là quốc sách hàng đầu này.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được hiểu là đổi mới từ tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương hướng giáo dục - đào tạo cùng các cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện. Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng và xã hội. Hội nghị khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chuyển mạnh quá trình giáo dục để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học với phương châm học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và xã hội; vừa đáp ứng yêu cầu số lượng, vừa chú trọng nâng cao chất lượng; hệ thống giáo dục mang tính mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
- Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị, vì Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản, là đạo luật gốc của Nhà nước nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất có tính nền tảng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, căn cứ vào đặc điểm, tình hình và sự phát triển của đất nước mà Đảng, Nhà nước có chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tính chất và sự phát triển xã hội của giai đoạn lịch sử đó. Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn dự thảo để Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp hoàn chỉnh trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua.
- Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: Quan điểm mang tính nguyên tắc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc chúng ta là trong mọi tình huống phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đứng trước sự biến động nhanh chóng, phức tạp của chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, nhất là tình hình trên biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch; những biến động từ mặt trái của kinh tế thị trường cùng với những hạn chế yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; Đảng và Nhà nước ta luôn giữ vững quan điểm và đưa ra những đối sách phù hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XI vừa kết thúc với những quyết sách quan trọng, cấp thiết. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự đan xen giữa cơ hội và thách thức; giữa sự ổn định xen lẫn với những biến động khó lường; sự đan xen giữa đối tác và đối tượng, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới mà hàng ngày, hàng giờ diễn ra bởi sự cạnh tranh khốc liệt về kinh tế, sự bứt phá về khoa học – công nghệ đan xen với những âm mưu, thủ đoạn về quân sự đe dọa cho sự ổn định, phát triển và môi trường hòa bình.
Không ai khác chính chúng ta, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc phải kiên quyết tạo ra cho được sức mạnh của nội lực, sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc, sức mạnh của thế trận lòng dân và nền tảng vững chắc của chế độ. Và Hội nghị Trung ương 8 lần này đã hàm chứa một cách hệ thống, đầy đủ, sâu sắc những nội dung nổi bật của tinh thần đó./.