Ngày 12/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình. Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ninh Bình cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong phát triển công nghiệp, đặc biệt chú trọng nâng tăng trưởng trong nông nghiệp để nâng cao đời sống cho phần lớn lao động là nông thôn hiện nay.

ong_sang_2_sxno.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình (báo Ninh Bình)

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng,  tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra là 14% nhưng với mức mức tăng 12,2% là mức tăng trưởng cao, hợp lý trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế trong GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, xây dựng chiếm hơn 46%,  dịch vụ chiếm gần 40%, trong khi nông lâm thủy sản còn gần 14%. Đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng nhanh, 6 tháng năm nay đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; nông nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước mang lại giá trị cao cho bà con nông dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 5,3%; văn hóa giáo dục, y tế ngày càng phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tuy nhiên, thảo luận tại buổi làm việc các đại biểu cũng cho rằng GDP có tăng trưởng nhưng không bền vững, hiện còn 4 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ đặt ra khó đạt được khi kết thúc nhiệm kỳ. Thách thức chính là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp; đào tạo nghề cho lao động và thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm, thủy sản... Bởi nó, tác động đến phần lớn đời sống của người dân...do đó tỉnh cần tập trung ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh về thương mại dịch vụ gắn với du lịch...

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tặng Chủ tịch nước bức tranh phong cảnh Tràng An

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự thẳng thắn trong báo cáo và thảo luận của các đại biểu tại buổi làm việc. Hoan nghênh kết quả đạt được của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, đó là diện mạo cơ sở hạ tầng thay đổi nhanh chóng, dịch vụ du lịch có nhiều triển vọng cả về chiều rộng và chiều sâu, phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.

Chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục đó là trong bối cảnh khó khăn, số doanh nghiệp đình đốn, phá sản nhiều, trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới tuy có tăng nhưng không bù đắp được, đây là yếu tố quan trọng tác động đến đời sống, việc làm và thu ngân sách của địa phương. Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Ninh Bình cần tập trung chỉ đạo tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, hiện nay chúng ta mới tập trung ở công nghiệp gia công là chính, do đó cần phải đẩy mạnh chuyển dịch sang công nghiệp sản xuất, tự chủ, thu hút dự án mang tính nghệ cao nâng cao giá trị trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch nước lưu ý tốc độ tăng trưởng nông nghiệp mà chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến  thu nhập thực tế lao động nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, tỉnh cần hết sức chú ý cân đối và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về cho phép Ninh Bình xây dựng đề án quốc gia về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa cố đô Hoa Lư và có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư, bảo vệ quần thể di sản văn hóa thế giới Tràng An... Chủ tịch nước đề nghị tỉnh phối hợp với các Bộ ngành để khảo sát, mạnh dạn nghiên cứu đề xuất các hình thức thu hút đầu tư triển khai cho phù hợp và hiệu quả, đồng thời rà soát những chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành tư pháp... để có thể điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong chuyến công tác tại Ninh Bình, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH Thép Kyoei 100% vốn Nhật Bản và thăm Quần thể danh thắng Tràng An- một trong di sản vừa được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới. Đây cũng là Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên, bởi không chỉ cảnh quan đẹp mà còn mang đậm giá trị lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều di tích của quá trình dựng nước và giữ nước đầy cam go, sóng gió nhưng rất oanh liệt và hào hùng của dân tộc, vai trò lịch sử của vùng đất “linh thiêng” này trở thành nơi hội tụ của các triều đại Đinh, Lê, Lý (thế kỷ X) và đặc biệt là hai lần chống quân Nguyên đã từng là thủ đô kháng chiến của vua, vương nhà Trần.

Cuối buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch nước cũng đã đến dâng hương tại Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Ông là người có tài văn, võ, từng là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và làm quan ở các triều vua từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng “thầy”. Kể từ khi xây dựng và tu bổ đến nay, ngôi đền trở thành một công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay./.