Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã có những quyết sách rất táo bạo, kịp thời, tạo ra những bước ngoặt lịch sử. Trong đó, Nghị quyết tại Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (khoá 3) vào tháng 10/1973 là một trong 5 Nghị quyết quan trọng quyết định những bước chuyển về thời cơ của cuộc cách mạng.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Sau 18 năm kháng chiến, chúng ta đã ký được Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong chặng đường Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hiệp định Paris đã mở ra một cơ hội lớn để có thể kết thúc sớm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với Hiệp định Paris, quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, điều đó tạo ra lợi thế về so sánh lực lượng cho cách mạng Việt Nam khi hơn 50 vạn quân Mỹ phải rút toàn bộ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Tương quan lực lượng ngày càng nghiêng về các lực lượng cách mạng; quân đội Sài Gòn hay lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày càng mất chỗ dựa cơ bản là quân chiến đấu Mỹ, đồng thời cũng bị mất một khoản viện trợ đáng kể về quân sự và kinh tế. Đây là dấu mốc quan trọng tạo nên bước chuyển của cách mạng miền Nam.
Căn cứ vào tình hình ở miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris, Đảng đã triệu tập Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 21 khóa 3 và ngày 4/10, BCH Trung ương đã ra Nghị quyết có chủ đề “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Ảnh: Lao Động)
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích những nét cơ bản về bối cảnh ra đời của Nghị quyết số 227-NQ/TƯ (hay còn gọi là Nghị quyết 21) trong Chương trình "Đất nước ngàn năm" phát sóng trên Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo VOV2 của Đài TNVN./.
Mời quý vị nghe nội dung chương trình: