Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Thế nhưng ít ai biết rằng, trước thời khắc lịch sử đó tròn 1 tháng (20/11/1946), thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn tại Nhà hát Hải Phòng.

Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu oanh liệt của bộ đội ta bảo vệ thành phố Hải Phòng, được coi là cuộc tập dượt cho quân dân cả nước và Thủ đô Hà Nội triển khai toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 70 năm đã trôi qua, những hình ảnh trận chiến lịch sử ấy vẫn mãi khắc ghi trong lòng người dân Hải Phòng.

vov_anh_4_wzqg.jpg
Bảo tàng Hải Phòng tổ chức chương trình kỷ niệm, trưng bày những hiện vật, bút tích tái hiện lại những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hải Phòng.

Cùng hàng ngàn người dân có mặt tại thành phố Hải Phòng trong ngày 20/11/1946, ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội sử học Hải Phòng lúc bấy giờ là một cậu thiếu niên 14 tuổi. Với ông, không khí và tinh thần ấy đã tạo nên thời khắc thiêng liêng không thể nào quên.

Ông Lợi chia sẻ, nhân dân ta vốn đã căm thù giặc Pháp nên việc đưa dân đi sơ tán khỏi Hải Phòng lúc bấy giờ rất khó. Vận động người dân đi sơ tán nhưng cũng có những người tình nguyện ở lại để tiếp tế cho bộ đội, thề sống chết với thành phố Hải Phòng. Nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện xuống, người dân thành phố mừng lắm, không khí nhân dân náo nức vô cùng. Người dân thành phố vẫn hướng về Bác Hồ và những Chỉ thị kháng chiến của Chính phủ được người dân Hải Phòng thực hiện rất nghiêm chỉnh.

Hình ảnh Nhà hát Hải Phòng thập niên 1950 (Ảnh tư liệu).

Vào chiều 20/11/1946, thực dân Pháp đồng loạt tấn công Nhà hát lớn, ngân hàng, nhà máy điện, nhà máy nước… và từ đây, các lực lượng tham gia cách mạng non trẻ tại Hải Phòng đã dựng những chiến lũy bằng giường, tủ, bàn ghế với những vũ khí thô sơ kiên cường giữ từng góc phố, khu nhà.

Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng quả cảm trong trận chiến khốc liệt tại Nhà hát lớn Hải Phòng, nơi 13 chiến sĩ do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã tiêu diệt được 50 lính Pháp, trước khi anh dũng hy sinh.

Ông Ngô Đăng Lợi lúc đó là Liên đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong tại khu Hoàng Diệu, tuy không thể cầm súng tham gia chiến đấu, nhưng hình ảnh quật cường của những người chiến sĩ bảo vệ Nhà hát luôn khắc sâu trong tâm khảm của ông.

Ông kể: "Khi đó quân Pháp rất ngạc nhiên tại sao chúng hằm hằm tiến vào mà chiến sĩ của ta vẫn đàn, vẫn hát. Những tiếng đàn, tiếng hát không những vận động các chiến sĩ bên trong nhà hát mà còn để cho bên ngoài nghe được tiếng nhạc, giúp người dân thêm tin tưởng vào những người giữ nhà hát của thành phố".

Nhà hát thành phố Hải Phòng luôn là niềm tự hào của người dân đất Cảng.

Lời thề của thế hệ ông cha trong thời khắc lịch sử 20/11/1946 đã trở thành động lực để bao lớp thanh niên vững bước trên con đường dựng xây thành phố văn minh, hiện đại, tiếp bước trang sử vẻ vang của dân tộc. Những chính sách mới, cách làm mới đã đưa thành phố Hải Phòng thay da đổi thịt từng ngày, hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Hội sử học, Giám đốc Bảo tàng thành phố Hải Phòng cho biết, cùng với cả nước tiến hành hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Bảo tàng Hải Phòng cũng đã tổ chức chương trình kỷ niệm, trưng bày những hiện vật, bút tích tái hiện lại những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hải Phòng.     

Qua các chương trình, Bảo tàng Hải Phòng chuyển tới các thế hệ trẻ của thành phố những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mô tả cuộc chiến đấu của quân và dân Hải Phòng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ, nhất là thế hệ học sinh Hải Phòng nâng cao niềm tự hào của người dân thành phố, phấn đấu, học tập để tiếp tục cống hiến, đóng góp sức lực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Một góc thành phố Hải Phòng hiện nay.

70 năm đã trôi qua, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của bao lớp cha anh ngày ấy vẫn sống mãi và tiếp thêm lửa cho thế hệ thanh niên thành phố Hải Phòng. Mỗi dịp kỷ niệm toàn quốc kháng chiến đến, qua câu chuyện kể, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc lại được khơi dậy mạnh mẽ, thôi thúc thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình ngày hôm nay, tiếp tục cống hiến trên con đường xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh./.