Chiều nay (23/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ở nước ngoài. Trước đó, sáng nay, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lý lịch tư pháp.

Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí với tên gọi của dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và để nhất quán với cách sử dụng cụm từ “ở ” trong các văn bản đã ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị được giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài”.

Nên có bảo hiểm y tế cho người Việt Nam ở nước ngoài

Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam đưa ra được đại biểu Quốc hội đóng góp, cho ý kiến tập trung vào những vấn đề: Trách nhiệm, Tổ chức bộ máy và biên chế, Kinh phí hoạt động của cơ quan đại diện.

Dự thảo Luật nên nhấn mạnh hơn đến trách nhiệm của các cơ quan đại diện như bảo vệ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn tại nước ngoài - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đóng góp ý kiến. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu có những vụ việc xảy ra ảnh hưởng tới quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài thì cơ quan đại diện phải thực hiện các biện pháp như liên hệ với Lãnh sự quán của nước sở tại và cơ quan Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu và giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Nhiệm vụ của cơ quan đại diện còn phải gắn với việc tạo điều kiện, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài trở về thăm quê hương, cống hiến trí tuệ, đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng: Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam có thể giao dịch công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Ngoài ra, trong dự thảo Luật nên bổ sung thêm việc cần có bảo hiểm y tế cho người Việt Nam ở nước ngoài để họ có thể khám, chữa bệnh với kinh phí được miễn giảm khi sinh sống ở nước ngoài.

Nên kéo dài thời gian làm việc của thành viên cơ quan đại diện lên 5 năm

Về vấn đề Tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Bộ trưởng Ngoại giao sẽ quyết định số lượng biên chế cán bộ của cơ quan đại diện sau khi có sự trao đổi thống nhất với các Bộ, ngành.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Ngô Quang Xuân (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: So với các nước khác trong khu vực, cán bộ, nhân viên nước ta làm việc rất vất vả nhưng lương và chế độ phụ cấp còn thấp. Vì vậy, cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài nên xem xét lại chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nước ngoài.

Để tránh lãng phí và phát huy hiệu quả hoạt động của thành viên cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao có thể xem xét nên kéo dài hơn nữa nhiệm kỳ của các thành viên cơ quan đại diện từ 3 năm lên 5 năm.

Về kinh phí dành cho cơ quan đại diện, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước sẽ được phân bổ theo hướng: Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho cơ quan đại diện.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi): Dự thảo Luật cần khắc phục được những hạn chế trong việc cấp và sử dụng kinh phí vượt quá cho cơ quan đại diện cũng như đảm bảo nguyên tắc thống nhất, tập trung, tiết kiệm, đáp ứng được thực tiễn hoạt động, đặc biệt trong chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Ngày mai, Chủ nhật (24/5), Quốc hội nghỉ làm việc. Thứ hai (25/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.