Bên hành lang Quốc hội sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nắm chắc vấn đề ngành mình phụ trách, trả lời rõ ràng các vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử và việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Những vấn đề Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cho thấy, thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai những giải pháp, khắc phục tình trạng xử lý các thông tin xấu độc, thông tin tiêu cực.

Đại biểu Đặng Xuân Phương, đoàn Nghệ An nhận xét: “Tôi rất ấn tượng với cách tiếp cận của Bộ TTTT trong quản lý thông tin trên mạng hiện nay cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chứ không phải chỉ riêng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, có vai trò chủ lực như Bộ Thông tin và Truyền thông hay là Bộ Công an. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành có liên quan khác và đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là các Sở Thông tin và Truyền thông trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm”.

Trực tiếp chất vấn trước Quốc hội và tranh luận với Bộ trưởng về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên chưa thực sự hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp ngăn chặn các thông tin xấu độc: “Tôi cũng muốn bổ sung thêm một số khía cạnh về quản lý về thông tin truyền thông trên nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới, đa ngành nên tôi nhấn mạnh cần nâng cao sức đề kháng.

Giải pháp căn cơ lâu dài nhất vẫn là nhận thức của công chúng, xã hội. Khi công chúng không tin những thông tin đó, mọi chuyện trở lên rất đơn giản. Với đặc thù dân số trẻ, chính họ sẽ là những người chủ động để ngăn ngừa những thông tin xấu độc chứ không chỉ là cơ quan chức năng”.

Về vấn đề sim "rác" tràn lan, cử tri Nguyễn Văn Tường, Hội viên Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) nêu ý kiến: "Bây giờ sim rác vẫn rất nhiều. Người dân mong muốn Bộ trưởng đã hứa là phải làm, chứ không phải giao cho cơ quan cấp dưới rồi không kiểm tra, giám sát…".

Cử tri và nhân dân Thủ đô cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp quyết liệt trong việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Xử lý thật nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử…

Cử tri Nguyễn Văn Thiết, phường Thuỵ Khuệ, quận Tây Hồ đề nghị: "Hiện nay tình trạng tin rác quá nhiều. Người ta đặt vấn đề tại sao Bộ thông tin truyền thông không xử lý nhiều tin nói sai sự thật, không có tinh thần xây dựng…?".

Cử tri Triệu Nguyên Hương, dân tộc Dao ở xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đánh giá cao phần chất vấn và thái độ quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về những nỗ lực của ngành trong nâng cấp hạ tầng di động ở các địa bàn khó khăn.

Tuy nhiên, thực trạng ở Nậm Xây hiện nay, ngoài 3 thôn trung tâm thì 3 thôn vùng cao còn lại cũng là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân khó khăn vất vả, đang vướng mắc trong việc tiếp cận với internet. Nếu không tháo gỡ được vấn đề này cũng sẽ khó phát huy vai trò của các Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Cử tri Triệu Nguyên Hương nói: "Là một cử tri, tôi mong muốn tăng cường những điểm phủ sóng internet cho các cộng đồng khu dân cư để bà con nào có điện thoại thông minh có thể truy cập được. Hiện nay, tình trạng sóng ở những khu vực vùng sâu, vùng xa rất chập chờn. Nhiều khi tuyên truyền trên các nhóm Zalo của thôn, bản, một bộ phận người dân không nắm được. Tôi cũng mong muốn tiếp tục có hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo về thiết bị thông minh để truy cập internet, nắm bắt thông tin thời sự"./.