Năm 2013 chứng kiến sự phát triển năng động của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Nhân dịp kết thúc năm 2013, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đánh giá về quan hệ hợp tác Việt - Nga năm qua cũng như hướng hợp tác ưu tiên trong năm tới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun (Ảnh:VNexpress) |
Việc trao đổi ý kiến diễn ra trong các cuộc tiếp xúc song phương một lần nữa khẳng định tính chất sâu sắc trong mối quan hệ giữa hai nước và quyết tâm của cả hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Nga, trong 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,15 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (2%). Giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Nga từ Việt Nam tăng 20,5% (2,24 tỷ USD), trong khi xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam giảm 26%.
Lãnh đạo hai nhà nước đã đề ra mục tiêu lớn là đưa kim ngạch thương mại Việt-Nga đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.
Cho đến nay, hai bên đã tiến hành được bốn vòng tham vấn, vòng tham vấn mới nhất vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Hai bên đều làm việc với tinh thần nghiêm túc nhất, quyết tâm xây dựng nhanh nhất một văn bản hiệp định mang tính tổng hợp và cân bằng.
Khi được ký kết, văn bản này không chỉ khuyến khích tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương, mà còn góp phần phát triển thương mại dịch vụ, tăng cường đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Tổ công tác Nga - Việt cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên cũng đã được thành lập. Cơ chế này đang hoạt động song song với tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại song phương và nhằm mục đích chính là gia tăng về chất các khoản đầu tư của Nga vào nền kinh tế Việt Nam. Kết quả đầu tiên trong hoạt động của Tổ công tác là thỏa thuận được danh sách sơ bộ gồm 12 dự án đầu tư tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.
Hai bên tiếp tục triển khai dự án thành lập tại Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, dự kiến sẽ trở thành một trong những trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á.
Việc cung cấp dài hạn cho Việt Nam khí tự nhiên hóa lỏng từ các địa phương của Sibir và vùng Viễn Đông Nga có thể trở thành một hướng đi hợp tác song phương có nhiều triển vọng. Đây không đơn giản là việc mua-bán nguyên liệu. Chúng ta sẽ cần phải xây dựng ở Việt Nam hạ tầng cơ sở cần thiết dựa trên công nghệ cao để tiếp nhận, lưu giữ và tiêu thụ khí hóa lỏng.
Hai nước Nga và Việt Nam tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ. Hiện nay, chúng ta đang làm việc để đưa sự hợp tác này lên tầm chiến lược. Từ lâu, hai nước luôn quan tâm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục mà cả hai bên coi là "đầu tư vào tương lai".
Một dự án quan trọng trong lĩnh vực này là thành lập trường Đại học công nghệ Việt-Nga sẽ trở thành một trong những trường đại học và trung tâm nghiên cứu lớn, với quy mô khu vực. Tôi hy vọng, những hướng đi tích cực hiện có trong mối quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga sẽ được hai bên tiếp tục nỗ lực ủng hộ và phát triển. Điều này hết sức quan trọng vì sự phát triển các mối quan hệ nhiều mặt giữa Nga và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cả hai quốc gia chúng ta, giúp cho sự tiến bộ kinh tế và công nghệ của hai nước, góp phần vào việc củng cố hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.