Ngày 23/6/1919, Tổng thư ký dân sự của Tổng thống Pháp Fichon gửi thư cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp chuyển yêu cầu của Tổng thống Pháp điều tra về một nhân vật có tên là Nguyễn Ái Quốc, sống tại số 56, phố Monsieur Le Prince, Paris - người 5 ngày trước đó đã "Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam" gửi đến Hội nghị Versailles bản yêu sách của nhân dân An Nam.

Kể từ sau bức thư đó, mật thám Pháp tăng cường theo dõi sát sao đối với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. 

ban_yeu_sach_prvt.jpg
Bản yêu sách của nhân dân An Nam
Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Versailles bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm. Bản yêu sách bằng tiếng Pháp cũng như bản phổ thơ lục bát tiếng Việt để tuyên truyền rộng rãi trong bà con người Việt tại Pháp, đều được lưu đầy đủ trong kho tư liệu của mật thám Pháp tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Aix en Provence.

5 ngày sau đó, Tổng thống Pháp yêu cầu điều tra dồn dập về nhóm những người yêu nước An Nam và người đại diện đã gửi bản yêu sách với cái tên "Nguyễn Ái Quốc".

Tiếp đó, ngày 2/8/1919, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục có bài viết về "Vấn đề dân bản xứ" trên báo Nhân đạo (L’Humanité). Và ngày 3/8/1919, cũng dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người viết thư tay gửi Jean Ajalbert, nhà văn, nhà báo Pháp từng đến Việt nam những năm đầu của thế kỷ XX, có nhiều bài viết về Việt Nam đăng trên báo Pháp…

Bài báo về Dân bản xứ trên tờ Nhân đạo ngày 2/8/1919
Bà Thu Trang nghiên cứu về Bác Hồ từ hơn 10 năm qua, tác giả cuốn "Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917-1923)", đã tiếp cận các kho tư liệu của các trung tâm lưu trữ Pháp và Bộ Thuộc địa Pháp và khẳng định mật thám Pháp theo dõi Bác rất sát sao.

Bà Thu Trang cho biết, mật thám Pháp dõi Bác khi Bác bắt đầu làm chính trị, họ đi tìm quá trình Bác đã sống ở Pháp, ở Paris bao nhiêu năm, đã tiếp xúc với ai mà Bác có tư tưởng cộng sản như vậy. Họ đi tìm đường dây nào khiến Nguyễn Sinh Cung (tên thật của Bác) trở thành Nguyễn Ái Quốc.

Thư trả lời của Bộ thuộc địa Pháp hồi đáp Tổng thống Pháp ghi ngày 5/9/1919, có nhiều thông tin điều tra nhưng không chính xác. Trong đó nêu: "Nguyễn Ái Quốc đến Paris vào tháng 6 năm ngoái (1918) và sống từ ngày 13/7/1919 tại địa chỉ 6, villa des Gobellins ; tại nhà một người tên là Phan Vân Trường, sinh năm 1878 tại Hà Nội (Bắc Bộ), luật sư tòa phúc thẩm Paris.

Thư yêu cầu Mật thám Pháp điều tra về Nguyễn Ái Quốc

Báo cáo tiếp: "Nguyễn Ái Quốc xuất thân từ một gia đình giàu có tại Đông Dương. Anh ta du học tại Anh và đã sống ở đó khoảng 10 năm". (Hiện nay, có nhiều nguồn tư liệu khác nhau về thời gian Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, số đông các nhà nghiên cứu cho rằng Người trở lại Pháp khoảng cuối năm 1917)

Bức thư nhấn mạnh: "Kể từ khi đến Pháp, người này đã đi thăm nhiều nhân vật yêu nước rồi xuống Toulouse ngày 25/7 (1919) cùng một người An Nam khác làm thợ ảnh tại thành phố đó"

Bức thư khẳng định: "Trong thời gian ngắn lưu lại, Nguyễn Ái Quốc chưa vấp phải một sự chú ý hay nhận xét bất lợi nào".

Về nhóm "Những người An Nam yêu nước", báo cáo cho rằng nhóm này đã tồn tại từ lâu với nhiều nhân vật lãnh đạo như Phan Vân Trường, Phan Châu Trinh – những người bị mật thám Pháp nghi ngờ là có thái độ thù địch với nước Pháp. Nhưng, cũng theo Bộ Thuộc địa Pháp, chưa có bằng chứng chính xác nào khẳng định mối nghi ngờ đó.

Tư liệu về Bác Hồ

Theo bà Olivia Pelltier, phụ trách kho tư liệu về Đông Dương và 8 hộp hồ sơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp tại Aix en Provence, thì các báo cáo cho thấy mật thám Pháp theo dõi sát sao nhà cách mạng An Nam. Bà Olivia chia sẻ, tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại, có 8 hộp tư liệu với hơn 8.000 trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm một hộp tư liệu SLOTFOM XV/1; tên gọi tắt của Cơ quan liên lạc với các cư dân nguyên quán ở các vùng hải ngoại của Pháp (gọi tắt là SLOTFOM), nói một cách khác là gồm những báo cáo của mật thám Pháp về các hoạt động của Hồ Chí Minh tại Pháp.

Thứ hai là phông tư liệu của Phòng báo chí quân đội Viễn chính (gọi tắt là SPCE) gồm 7 hộp từ SPCE 364 đến 370; gồm thông tin do cơ quan này thu thập được về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đông Dương, tại Trung Quốc… Các hoạt động theo dõi của mật thám Pháp với Nguyễn Ái Quốc kéo dài đến khoảng năm 1955, dù khi đó, Pháp đã rút khỏi Việt Nam.

Trong hộp tư liệu SLOTFOM XV/1, hai mật thám chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc có tên Jean và Edouard có các báo cáo hàng ngày. Những báo cáo lúc đầu có khi chỉ là sự lý giải cái tên "Nguyễn Ái Quốc" một cách tỉ mỉ, là người họ Nguyễn yêu Tổ quốc. Trong các tư liệu có lưu nhiều tên mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng như Lý Thụy, Nguyễn Sinh Cung, đôi chỗ là Nguyễn Sinh Côn, rồi Nguyễn Tất Thành… Một số hồ sơ ban đầu còn nhận định khác nhau về tuổi của Nguyễn Ái Quốc, chỗ là 25, 28 khi thì 27 tuổi.

Cách gọi của các mật thám Pháp với Nguyễn Ái Quốc cũng tăng dần cấp độ tùy theo những thông tin thu thập ngày càng nhiều; từ "người An Nam" đến "kẻ gây rối" đến "người cộng sản", "nhà cách mạng" hay "kẻ nổi loạn An Nam"…

Các báo cáo của mật thám Jean nêu cụ thể các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong ngày, đi đâu, làm gì, gặp ai. Trong khi đó, những báo cáo dài nhiều trang của mật thám Edouard cho thấy độ thân thiết và thường xuyên lui tới của mật thám này với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.

Báo cáo của Mật thám Deveze ngày 14/11/1919

Trong các cuộc gặp, Bác Hồ không giấu diếm những lời chỉ trích đối với thực dân Pháp và bức xúc về nỗi thống khổ của nhân dân An Nam. Ví dụ mật thám Edouard báo cáo lại ngày 15/11/1919, rằng Nguyễn Ái Quốc gặp ông Pierre Pasquier –một quan chức Bộ thuộc địa Pháp theo giấy mời của Chánh văn phòng Bộ thuộc địa 1 ngày trước đó. Trong báo cáo này, mật thám Edouard phản ánh Nguyễn Ái Quốc đã khẳng khái tuyên bố với ông Pasquier rằng: "Mỹ sau 10 năm đã cho Philippines tự trị; Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?".

Thư tay Bác viết gửi nhà văn, nhà báo Jean Ajalbert
Những báo cáo cụ thể vừa cho thấy sự chú ý theo dõi sát sao của mật thám Pháp với Nguyễn Ái Quốc không chỉ ở đất Pháp mà cả sau này khi Người bị bắt tại Hồng Kông; hay khi Người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo lực lượng Việt Minh... Những báo cáo hàng ngày không chỉ cho thấy mức độ hoạt động tích cực không mệt mỏi của Bác mà còn cho thấy những khía cạnh con người, bình dị và đời thường của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam./.