“Liêm chính” trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết. Bởi vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, việc xây dựng pháp luật chặt chẽ sẽ tránh tạo kẽ hở, để “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”.
Bởi vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để bịt kín việc lợi dụng chính sách pháp luật thì vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng: “Trước hết vai trò, trách nhiệm của Chính phủ phải nghiêm khắc, công khai, nghiêm minh, triệt để. Cốt lõi là Chính phủ phải kiểm tra giám sát bộ ngành trình dự thảo. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo phải khách quan, thật thà, dũng cảm không đưa lợi ích riêng tư của ngành đưa vào dự thảo luật”.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Phòng thì cho rằng, để không thể tham nhũng thì việc thể chế hóa, nâng chất lượng xây dựng luật, chính sách, điều khoản quy định, điều chỉnh hành vi các đối tượng là rất quan trọng. Để không lách luật được thì luật phải tốt, chính sách phải tốt. Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống tham nhũng, tiêu cực nên có tiểu ban gồm những người có kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách và chuyên gia để chuyên rà soát lỗ hổng pháp lý.
Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thì giải pháp căn bản nhất đó chính là phải làm tốt công tác cán bộ. Bài học thực tiễn do chọn người không đúng mới nảy sinh tham nhũng chính sách, nảy sinh lạm dụng chính sách trục lợi. Bởi vậy, tiên quyết nhất là chọn nhân sự đúng tầm, có năng lực tư tư duy, có tâm trong sáng vì việc chung chứ không vì cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.
"Phải xây dựng được cơ chế như Tổng Bí thư nói “Không thể, không muốn và không cần tham nhũng”. Giải pháp đấy tập trung vào tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt chức danh lãnh đạo, để người với tới thì lưới pháp luật chạm đến, để từ bỏ mưu mô chui sâu, leo cao vào bộ máy, trục lợi” - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh./.