Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Joachim Gauck, sáng 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta đã rời Hà Nội lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 24-26/11.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHLB Đức |
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất kể từ năm 1990 và đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).
Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Nằm giữa lòng châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức được biết tới là một trong những nước phát triển bậc nhất ở khu vực. Trải qua những thăng trầm của lịch sử Liên bang Đức thống nhất vào năm 1990, những tương đồng của lịch sử chính là tiền đề kết nối hai quốc gia, như lời bà Rabea Brauer, đại diện quỹ Konrad Adenauer của Đức ở Việt Nam khẳng định.
40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, hiệu quả và toàn diện. Những năm gần đây chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, cùng với việc hình thành và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác như Nhóm Điều hành chiến lược, Đối thoại về kinh tế vĩ mô, Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước…
Nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2011 của Thủ tướng Angela Merkel, hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đức trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.
Cùng với hợp tác về chính trị, hợp tác thương mại giữa hai nước đã đạt được những kết quả khá ấn tượng trong 5 năm qua. Cộng hòa Liên bang Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu, chiếm gần 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Đức cũng là nước ủng hộ Liên minh châu Âu sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tăng gần 70%, từ 824 triệu USD năm 2010 lên 1,4 tỷ USD hiện nay, đứng thứ 5 trong Liên minh Châu Âu.
Những dự án “hải đăng” đang được hai nước tích cực triển khai như Ngôi nhà Đức, Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt-Đức, cùng con số hơn 300 doanh nghiệp Đức đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính…
Đức cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề. Hằng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4.600 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Việt Nam và Đức cũng đang đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực an ninh quốc phòng và giao lưu nhân dân. Với cộng đồng người Việt Nam ở Đức hiện có khoảng 125.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Đây chính là cầu nối quan trọng tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, những thách thức về an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên gay gắt, Việt Nam và Đức đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEM, khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển của hai khu vực…
Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực vì sự phát triển của hai quốc gia.
Chúng ta tin tưởng với mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong 40 năm qua, cùng sự nỗ lực và tiềm năng to lớn của hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Cộng hòa Liên bang Đức lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực và trên thế giới./.