Hơn 3/4 thế kỷ đã qua, ký ức của về những ngày tháng Tám Cách mạng vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí những người có may mắn chứng kiến thời khắc lịch sử đó. Phóng viên VOV đã có cuộc gặp gỡ với một số nhân chứng đã vinh dự sống, chiến đấu và tham gia giành chính quyền tại vùng Mỏ Quảng Ninh tháng 8/1945....
Ông Vũ Chức, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Than Cẩm Phả, nay đã gần 90 tuổi bồi hồi xúc động khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử cách đây 76 năm. Trước Cách mạng Tháng Tám, cả Vùng mỏ chìm dưới sự cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, sau đó là nạn đói tràn lan khi phát xít Nhật vơ vét thóc gạo, người chết nhiều vô kể...
Tất cả đã hun đúc lòng yêu nước và căm thù ngoại xâm của cậu bé Vũ Chức, khi đó chưa đầy 13 tuổi: "Mắt thấy những chủ mỏ đàn áp những người công nhân, bắt tù tội những người tham gia hoạt động cách mạng rất dã man. Bởi vậy nên tôi đã giác ngộ từ những gì mà thầy giáo lúc đó dạy, thầy nói đến Bác Hồ, một con người lỗi lạc, một lòng một dạ vì dân..."
Từ khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả đến Đông Triều, Quảng Yên, phong trào đấu tranh dần lan rộng dưới ảnh hưởng của Việt Minh. Tháng 4/1945, thực hiện chủ trương của Đảng, Nguyễn Bình - người sau này được Bác Hồ phong quân hàm Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được cử đi xây dựng cơ sở, thống nhất các đội ngũ tại vùng Đông Triều. Thợ mỏ Mạo Khê, nông dân, rồi cả binh lính trong các đồn bốt của địch dần ngả theo cách mạng, tích cực huấn luyện, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ngày 8/6/1945, tiếng súng đồng loạt nổ, quân khởi nghĩa chiếm huyện lỵ Đông Triều, đánh hạ đồn Chí Linh, đồn Tràng Bạch và buộc đồn binh Nhật ở Mạo Khê đầu hàng...
Chiều ngày 8/6/1945, trong cuộc mít tinh lớn tổ chức tại đình làng Hổ Lao, Chiến khu Đông Triều (còn có tên Chiến khu Trần Hưng Đạo hay Đệ tứ Chiến khu) chính thức công bố thành lập, Ủy ban quân sự cách mạng ra mắt nhân dân. Từ Chiến khu, lực lượng cách mạng tỏa đi các địa phương, lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, nhanh chóng đưa phong trào phát triển toàn vùng duyên hải Bắc bộ. Đến giữa tháng 7/1945, khi thế và lực của ta đã đủ mạnh, Uỷ ban quân sự chiến khu quyết định tiến đánh giành chính quyền tại tỉnh lỵ Quảng Yên (toàn bộ khu vực phía tây Quảng Ninh hiện nay)...
Ông Phạm Công Thành, một thành viên Thanh niên cứu quốc lúc đó vẫn nhớ như in ngày 20/7/1945, khi hai mũi quân phối hợp cùng lực lượng tại chỗ tấn công thẳng vào Dinh Tỉnh trưởng, buộc địch đầu hàng vô điều kiện, Quảng Yên trở thành tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa: "Viên Tỉnh trưởng bàn giao tài liệu, ra lệnh cho các cơ sở của lính khố xanh phải đầu hàng, giao lại chính quyền cho Việt Minh. Lúc bấy giờ ta yên tâm, giao cho một đồng chí tự vệ kéo cờ tam tài của chúng xuống, kéo cờ đỏ sao vàng của mình lên. Các tổ thanh niên chúng tôi đi tuyên truyền cho dân xóm: Việt Minh về giải phóng Quảng Yên, giải phóng cho nhân dân, nhân dân yên tâm mở cửa, bán hàng, sinh hoạt bình thường. Nhân dân hết sức phấn khởi."
Đến tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bừng bừng khí thế đứng lên giành chính quyền. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, các cuộc mít tinh diễn ra rầm rộ tại Uông Bí, Quảng Yên, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.
Đại tá Phùng Ngọc Hùng, lúc bấy giờ chỉ là một thiếu niên ở khu mỏ Hòn Gai đã tích cực cùng đông đảo công nhân, thanh thiếu niên bí mật đi cướp chính quyền chỉ với mã tấu, cuốc xẻng, thậm chí cả chai đựng vôi bột lẫn mảnh sành... Tình hình tại Hòn Gai và Cẩm Phả phức tạp hơn khi những thành phần Việt Cách tràn về từ Hải Ninh (miền đông Quảng Ninh hiện nay), ra sức tuyên truyền lôi kéo quần chúng. Ngày 24/8, tại cuộc mít tinh lớn tổ chức tại Hòn Gai, 2 bên Việt Minh và Việt Cách cùng cử người lên diễn thuyết, vận động nhân dân.
"Cuộc mít tinh tổ chức ở ngay sân vận động. Tôi thấy kéo 2 cờ lên, lúc ấy anh Chất đại diện cho Việt Minh nói "cách mạng chúng ta đã cướp chính quyền rồi", sau đó cất lời hát có đoạn "Ôi đau thương đã mấy phen rồi, người chiến sĩ xưa kia liều mình thề cứu non sông ...". Bài hát làm rung động trái tim của chúng tôi. Lời bài hát vang động đến bây giờ tôi cũng không bao giờ quên cả. Mọi người đều hướng về Việt Minh." - Đại tá Phùng Ngọc Hùng kể lại.
Hàng ngàn người giương cao cờ đỏ sao vàng tuần hành qua các tuyến phố. Với khí thế áp đảo của Cách mạng, chính quyền tại Hòn Gai thuộc về Việt Minh mà không cần một tiếng súng, không một giọt máu đổ. Ngay sau đó, một trung đội giải phóng quân và đoàn cán bộ Việt Minh tiến về giải phóng Cẩm Phả, thành lập chính quyền cách mạng...
3/4 thế kỷ đã qua, vùng Mỏ đã có nhiều đổi thay. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện với mức thu nhập bình quân đứng trong top đầu cả nước và cả những cây cầu vững chắc, những tòa nhà cao tầng hiện đại và những tuyến đường cao tốc được nối dài... Tất cả đều là minh chứng cho ý chí, nghị lực và truyền thống Cách mạng của những con người nơi đây, để Quảng Ninh tiếp tục phát triển, khẳng định vị trí, vai trò động lực thú đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của đất nước./.