Dự sự kiện tại điểm cầu TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và các tầng lớp nhân dân TP.HCM.

Theo dõi những hình ảnh, những thước phim tư liệu tái hiện lại chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ở điểm cầu TP.HCM, ông Phan Hải Tân (92 tuổi), cựu chiến binh Điện Biên không khỏi xúc động.

Thời điểm đó, ông là một trong những người lính được đưa sang Trung Quốc đào tạo. Sau khi từ Trung Quốc trở về, ông Phan Hải Tân tham gia huấn luyện cho bộ đội chiến sĩ Trung đoàn 77, thuộc Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn 77 được hình thành trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đóng quân tại Phú Thọ, có nhiệm vụ đào tạo bộ đội để bổ sung cho chiến trường.

Ông Tân nhớ như in lớp chiến sĩ đặc biệt mà ông tiếp nhận, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến trường Điện Biên. Đó là những thanh niên, học sinh con em của nông dân, công nhân ở các vùng bị địch tạm chiến ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, di chuyển lên vùng tự do để tham gia bộ đội. Họ đi với lòng căm thù giặc sâu sắc, ra đi để chống kẻ thù đã tàn phá quê hương, giết hại người thân và đồng bào của họ.

Sau khi nhận lệnh dẫn đoàn di chuyển 500km từ Phú Thọ đến Điện Biên, từ hậu cứ của Trung đoàn 77, các chiến sĩ ra đi trong không khí sôi sục của “hậu phương tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho chiến thắng”: “Hậu phương hồi đó rất khó khăn, nhưng không khí nô nức nhộn nhịp của đồng bào cứ cảm giác như ngày chiến thắng sắp đến nơi rồi. Các bà mẹ cũng đi động viên, quan tam các chiến sĩ, rồi đi vận động nhân dân góp gạo để nuôi quân. Phụ nữ thì thay nhau đi dân công hỏa tuyến, thanh niên đến tuổi thì đi bộ đội, đó là một niềm vinh dự lớn. Họ đi với một niềm tin tất thắng”.

Còn với bà Nguyễn Thùy Liên (64 tuổi, cựu chiến binh quận 3, TP.HCM), tinh thần Điện Biên Phủ được cảm nhận qua những câu chuyện của người cha từng phục vụ ở kho quân khí ở chiến trường Quảng Bình. Đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng, một sức mạnh phi thường, vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.

Tiếp nối truyền thống với niềm tự hào về cha, bà Liên tham gia đoàn văn công của Binh đoàn Cửu Long – nay là Quân đoàn 4. Bà Liên luôn mang trong mình lòng biết ơn sự hy sinh của người cha, của các đàn anh đi trước để bà được ca hát, được hạnh phúc, được phục vụ trong hòa bình.

Được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng vang dội diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian, bà Liên không khỏi tự hào: “Tôi rất tự hào. Tôi muốn nhìn lại những gì mà ba tôi đã trải qua trong trận Điện Biên Phủ, từ những thước phim qúy giá, câu chuyện kể, những bài học lịch sử”.

Tham gia cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại cột cờ Thủ Ngũ, Quận 1, đoàn viên Lê Thị Thùy Hoa, thành phố Thủ Đức thêm tự hào với các lớp cha anh đi trước đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc.

Là cán bộ đoàn tiêu biểu, Thùy Hoa may mắn đã từng được đến Điện Biên, được tận mắt chứng kiến chiến hào độc đáo ở Điện Biên Phủ. Hôm nay, Thùy Hoa xúc động khi được gặp các nhân chứng lịch sử, được nghe quá trình chiến đấu và sự hy sinh cả tuổi thanh xuân của các thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”: "Với những người trẻ như tụi em nhìn lại chỉ có một từ ngữ là rất ngưỡng mộ, khâm phục rất nhiều. Các cô chú cực khổ nhưng vẫn vượt qua để đất nước có được như ngày hôm nay. Em có thể cảm nhận được nỗi đau thương vất vả hy sinh của các cô chú, thực sự rất tự hào. Bản thân em sẽ cố gắng hơn để đóng góp sức trẻ của mình vào việc xây dựng đất nước trở nên tốt đẹp hơn”.