Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 chiều 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kinh tế 1997, kinh nghiệm ứng phó với các tình huống khủng hoảng đã trở thành nền tảng của ASEAN+3 trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Ngày nay, trước những thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, các nước ASEAN+3 tiếp tục phát huy thế mạnh, kịp thời phối hợp ứng phó với các thách thức của dịch bệnh. Sau khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ngày 14/4/2020 các nước ASEAN+3 đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt về Covid-19, khẳng định quyết tâm cao nhất của ASEAN+3 tăng cường phối hợp ứng phó hiệu quả đầy lùi dịch bệnh, đảm bảo đời sống và sức khỏe của người dân cũng như phục hồi kinh tế.

Thủ tướng bày tỏ hy vọng ASEAN+3 sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm từng bước đẩy lùi Covid-19, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì ổn định, phát triển kinh tế tài chính, thúc đẩy phục hồi và bền vững.

Trong vai trò điều phối Hội nghị ASEAN+3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, cuộc khủng hoảng của một nước cũng là khủng hoảng của nước láng giềng. Do đó, hợp tác là điều cần thiết để vượt qua khó khăn. Kinh nghiệm hợp tác 23 năm qua đã giúp ASEAN+3 trở thành mô hình quốc tế giúp các nước trong khu vực đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. Quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN cũng như Kho dự trữ vật tư y tế của ASEAN là những sáng kiến tích cực để các bên nỗ lực duy trì hợp tác xuyên biên giới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn, ASEAN+3 càng phải nỗ lực đoàn kết với nhau, nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng cũng như phân phối vaccine... Về mặt kinh tế, ASEAN+3 cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid-19 khi nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi trở lại từ năm 2021, nhưng tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nước.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hy vọng, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 sẽ là cơ hội để các nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác Đông Á đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Ông Suga cho biết, Nhật Bản cam kết đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 và đặc biệt hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Dựa trên sự hợp tác của các nước ASEAN+3, có khoảng 300 triệu USD đã được bổ sung vào quỹ ứng phó với Covid-19 của ASEAN.

“Chúng tôi hy vọng những khoản đóng góp này sẽ nâng cao khả năng của ASEAN chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm và chúng ta cũng đã cải thiện được quỹ gạo dự trữ của ASEAN+3 để có thể hỗ trợ các nước trong khu vực. Covid-19 cũng là một cuộc khủng hoảng liên quan đến an ninh con người và để có thể đối phó với khả năng dịch bệnh kéo dài, chúng ta cần phải có bảo hiểm y tế toàn dân”, Thủ tướng Suga nói.

Trong phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhắc lại việc ASEAN+3 tổ chức một Hội nghị Cấp cao đặc biệt hồi tháng 4 năm nay và ở đó, các nước cùng đã nhau nhất trí tăng cường hợp tác để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ nhau duy trì ổn định chuỗi cung ứng. Trong suốt 6 tháng qua, tất cả các bên với nỗ lực chung và riêng đều đã hết sức chủ động trong việc thực thi kết quả của Hội nghị này.

“Những biện pháp và kinh nghiệm mà các nước ASEAN+3 có được có thể tạo cảm hứng cho các nước khác khi một số tổ chức dự đoán khu vực Đông Á có khả năng là khu vực tăng trưởng dương trong năm nay. Tôi cho rằng điều này cho thấy tính tự cường của hợp tác ASEAN+3”, ông Lý Khắc Cường nói.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cảm ơn các nước ASEAN đã chia sẻ hiểu biết, hỗ trợ Trung Quốc ứng phó với Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, tin tưởng rằng khi các nước có thể hợp tác cùng với nhau thì có thể mở ra tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực./.