Chiều nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với các bộ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; việc xử lý kết quả sau kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan.

Trong thời gian qua, hoạt động rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng văn bản không hợp hiến, góp phần hạn chế văn bản không hợp pháp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay cả nước đã kiểm tra, rà soát hơn 20 nghìn văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương. Trên cơ sở đó các cơ quan đã kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, thay thế hơn 4 nghìn 300 văn bản. Đối với văn bản thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được rà soát là hơn 114 nghìn văn bản; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế hơn 26 nghìn văn bản...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đẩy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra văn bản; việc phát hiện một số văn bản có quy định trái pháp luật còn chưa kịp thời, thậm chí có văn bản ban hành, thực hiện rồi  và gây tác hại rồi mới phát hiện và việc xử lý còn chậm…

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị: “Chúng tôi xin kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: Thứ nhất, các bộ ngành địa phương cần tăng cường trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, xử lí rà soát hệ thống hóa văn bản. Trước hết là thực hiện nghiêm các quy định về các quy định ban hành pháp luật, luật ban hành 2015 và nghị định 34. Thứ 2 cán bộ ngành địa phương đã có kết quả rà soát hệ thống hóa. Trong đó các đồng chí đã kiến nghị khá cụ thể những văn bản trong thời gian tới phải sửa đổi bổ sung thay thế bãi bỏ, đề nghị đồng chí khẩn trương. Trước đây các đồng chí đã rà soát kiến nghị như vậy thì 1 đến 2 năm sau chúng ta đã xử lí như nào từ luật cho đến thông tư các văn bản đã lạc hậu.”

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thành viên tổ công tác cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, trong 3 năm gần đây Thủ tướng đã có 10 văn bản chỉ đạo cụ thể về công tác này. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, nếu làm tốt, làm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định pháp luật liên quan khác thì, doanh nghiệp và người dân không phải than phiền nhiều về pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không phải có nhiều chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể để làm tốt hơn công tác “hậu kiểm” văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị: “Tôi rất mong các đồng chí sau đợt kiểm tra này các đồng chí quyết tâm, tất cả các văn bản được hệ thống hóa, đã chỉ ra cần được bãi bỏ, cần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các đồng chí cần làm dứt điểm. Đối với công tác kiểm tra văn bản ngoài việc đã có kết luận kiểm tra văn bản trái pháp luật thì tôi đề nghị các đồng chí quyết tâm, đã có kết luận rồi chúng ta phải làm nghiêm. Tôi mong các đồng chí pháp chế các bộ, ngành cùng như bộ Tư pháp chúng ta làm tốt hơn công tác này để làm sao để vừa tự kiểm tra, vừa kiểm tra theo thẩm quyền được tốt”./.