Sáng 11/4, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán góp phần phòng chống tham nhũng.

Các tham luận tại hội thảo khẳng định, với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, cũng như kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng.

ammm_soof.jpg
Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Báo Kiểm toán)

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra. Những kết quả này đã khẳng định vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng chống tham nhũng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước.

“Một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo”- Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh./.